Khai mạc thế vận hội Paralympics 2016 dành cho người khuyết tật

Sáng mai (8/9) lễ khai mạc thế vận hội Paralympics 2016 dành cho người khuyết tật sẽ được tổ chức tại Brazil và Google đã đổi doodle của mình thành những hình ảnh hưởng ứng sự kiện này.

Mẫu doodle mới khá đơn giản, là chữ Google được đặt trong một mảng màu vàng cam. Điểm nhấn nằm ở chữ O thứ hai được cách điệu thành khung hình tròn, trong đó là biểu tượng của các môn thi đấu. Những hình ảnh này sẽ thay đổi liên tục và bấm vào đó, người dùng sẽ được chuyển hướng đến trang kết quả tìm kiếm của từ khóa "Khai mạc thế vận hội Paralympics 2016 dành cho người khuyết tật".


Google hưởng ứng khai mạc thế vận hội Paralympics 2016 dành cho người khuyết tật.

Trong phần mô tả, Google giới thiệu về Paralympics 2016 đại ý như sau: "Ngày hội nhỏ của các cựu chiến binh Anh Quốc năm 1948 đã phát triển thành sự kiện thể thao lớn nhất thế giới dành cho những người khuyết tật với sự tham gia của 4.500 vận động viên từ 176 quốc gia khắp thế giới".

Tuy vậy, mẫu doodle này được tùy chỉnh để không hiện với người dùng ở một số quốc gia, trong đó có Nga. Các VĐV xứ bạch dương vừa nhận lệnh cấm tham dự Paralympics 2016 cách đây chưa lâu. Đó là một trong những hệ quả từ vụ bê bối doping của thể thao Nga.

Paralympics 2016 là kỳ thế vận hội cho người khuyết tật lần thứ 15 được tổ chức. Rio de Janeiro cũng là thành phố đầu tiên của Nam Mỹ đăng cai sự kiện này.


Paralympics 2016 là cuộc tranh tài lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật.

Có tổng cộng 22 bộ môn thi đấu sẽ xuất hiện tại đây, trong đó có canoeing và 3 môn phối hợp lần đầu tiên được đưa vào thi đấu.

Lễ khai mạc thế vận hội Paralympics 2016 dành cho người khuyết tật sẽ bắt đầu lúc 5h rạng sáng mai (8/9) trên sân vận động Maracana, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Olympic tháng trước.

Chủ đề chính của sự kiện này là khẩu hiệu "Ai cũng có trái tim" (Everyone has a heart). Có khoảng 2.500 người, gồm 500 nghệ sĩ chuyên nghiệp và 2.000 tình nguyện viên, tham gia biểu diễn. Cũng giống như Olympic, lễ khai mạc Paralympics không tiêu tốn quá nhiều chi phí.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đến Rio 2016 gồm 21 thành viên, trong đó có 11 VĐV tranh tài ở 3 môn là điền kinh, bơi và cử tạ.

Sau thành công của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic diễn ra cách đây 1 tháng, thể thao Việt Nam cũng tràn trề quyết tâm tạo bất ngờ ở đấu trường dành cho những VĐV khuyết tật. Trong đó, kình ngư Võ Thanh Tùng, người từng giành 5 HCV châu Á được xem là niềm hi vọng lớn nhất.


Chủ đề chính của sự kiện này là khẩu hiệu "Ai cũng có trái tim" (Everyone has a heart).

Thế vận hội dành cho người khuyết tật còn gọi là Thế vận hội Paralympic (tiếng Anh: Paralympic Games) là một sự kiện thể thao quốc tế quan trọng, là nơi các vận động viên khuyết tật thể chất thi đấu cạnh tranh, bao gồm các vận động viên thiểu năng, khuyết chi, mù lòa, và bại não. Hai sự kiện Thế vận hội Paralympic Mùa hè và Mùa đông được tổ chức theo Thế vận hội Olympic tương ứng. Tất cả các cuộc thi trong Thế vận hội Paralympic đều do Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) quy định.

Thế vận hội Paralympic khởi nguồn một tập hợp nhỏ những cựu chiến binh người Anh trong chiến tranh thế giới thứ II vào năm 1948 và ngày nay đã trở thành một trong những sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất của thế kỷ 21. Những người tham gia Thế vận hội Paralympic đấu tranh cho sự đối xử bình đẳng như những vận động viên bình thường tại Thế vận hội Olympic, nhưng vẫn có một khoảng cách lớn về khoản tài trợ dành cho các vận động viên Olympic và Paralympic. Ngoài ra còn có những môn thể thao như các môn liên quan đến chạy, nhảy và ném có thể ngăn vận động viên Paralympic cạnh tranh bình đẳng với vận động viên bình thường, mặc dù đã có những vận động viên Paralympic từng tham dự Thế vận hội Olympic.

Thế vận hội Paralympic dành cho các vận động viên khuyết tật thể chất và được tổ chức song song với Thế vận hội Olympic. Hội đồng Olympic Quốc tế (IOC) công nhận sự kiện Thế vận hội Olympic Đặc biệt (Special Olympics World Games) dành cho các vận động viên khuyết tật trí tuệ và Thế vận hội Deaflympic dành cho các vận động viên khiếm thính.

Lý giải chính thức hiện nay đối với tên gọi "Paralympic" là nó có nguồn gốc từ giới từ tiếng Hy Lạp παρά (phiên âm Latin: pará, nghĩa là bên cạnh, kề bên) và do đó đề cập đến một cuộc thi được tổ chức song song với Thế vận hội Olympic. Lần đầu tiên thuật ngữ "Paralympic" được đưa vào sử dụng chính thức là tại Paralympic Mùa hè 1988 tổ chức ở Seoul.

Vì có nhiều vận động viên với nhiều loại khuyết tật khác nhau đăng kí tham gia, do đó có sự phân chia những thể loại thi đấu dành cho các vận động viên. Các vận động viên khuyết tật được thi phép thi đấu sẽ được phân vào 6 loại lớn, bao gồm: khuyết tay/chân, bại não, khuyết tật trí tuệ, xe lăn, khiếm thị và các loại còn lại (những vận động viên khuyết tật không rơi vào năm loại trên bao gồm những người bệnh còi cọc, đa xơ cứng và dị tật bẩm sinh). Sáu loại này lại được chia nhỏ hơn nữa và khác nhau tùy theo từng môn thể thao. Hệ thống phân loại đã dẫn đến tranh cãi vấn đề lừa dối xoay quanh việc các vận động viên khai quá mức độ khuyết tật của họ nhằm mục đích được sử dụng các loại thuốc hỗ trợ thi đấu, một điều đã từng gặp trong nhiều sự kiện khác.

Cập nhật: 07/09/2016 Theo VTC/Wiki
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video