Các chuyên gia khí hậu cho rằng, việc phát hiện ra độ dày của khối băng ở Nam Cực giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu.
>>> Tìm thấy đáp án cho nghịch lý ở Nam Cực
Trong nhiều năm nay, có một bài toán làm đau đầu các nhà khí hậu đó là, tại sao khối băng biển Nam Cực tan ở mức độ tương đối chậm, khoảng 1 - 2% trên mỗi thập kỷ thì trong khi biển băng Bắc Cực lại giảm một cách nhanh chóng - khoảng 13% ở mỗi thập kỷ.
Mới đây, các chuyên gia đã tìm ra lời giải cho "phép màu nhiệm" này. Chính lớp băng dày chìm sâu dưới nước của biển Nam Cực đã giúp cho nơi đây không có tốc độ tan chảy nhanh khủng khiếp như Bắc Cực.
Để đưa ra kết quả này, các nhà khoa học đã sử dụng robot dưới nước giúp phác thảo lại độ dày của lớp băng. Robot lặn này sẽ phác họa bản đồ 3D chi tiết vùng biển phía dưới mặt băng ở Nam Cực.
Các chuyên gia đã đo tổng cộng 10 tảng băng với diện tích khoảng 500.000m vuông, với độ dày của băng dao động từ 1,4 - 5,5m. Một số nơi có băng dày tới 16m.
Nhiều nghiên cứu trước đã chỉ ra, phần băng bao phủ ở Nam Cực dày có ý nghĩa sâu sắc. Độ dày của băng sẽ giúp kiểm soát lượng nhiệt độ phía bên dưới và không khí phía trên. Nếu băng không bao phủ sẽ ảnh hưởng nhiều đến nền nhiệt độ trên Trái đất.
Bằng việc đo độ dày của những lớp băng này, các chuyên gia có thể nghiên cứu lịch sử tan chảy của băng và so sánh thay đổi nhiệt độ ở khu vực lõi băng trong hơn 1.000 năm qua.
Theo đó, nhiệt độ lạnh nhất ở Nam Cực và khối lượng băng tan chảy thấp nhất trong mùa hè xảy ra cách đây 600 năm.
Chính bởi lẽ đó, các chuyên gia cho rằng, hiểu được độ dày của băng ở Nam Cực sẽ giúp họ tìm ra được mô hình băng và tìm ra cách thích hợp để ngăn chặn sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.