Khám phá hầm tránh bom hạt nhân siêu hạng của Mỹ

Năm 1959, Mỹ bí mật cho khởi công xây dựng một boongke tránh bom hạt nhân nằm sâu trong lòng đất tại thành phố White Sulphur Springs, bang tây Virginia.

Đến năm 1961, công trình bí mật này được hoàn thành, với sức chứa lên đến cả nghìn người. Điều đặc biệt là căn hầm này được xây dựng với mục đích bảo vệ các yếu nhân trước nguy cơ tấn công hạt nhân; nhưng thực tế, từ khi xây xong cho đến nay, công dụng của nó chẳng khác một kho chứa đồ…

“Chúng ta sở hữu một quả bom hạt nhân và họ cũng có một quả bom như thế. Chúng ta chế tạo được một quả bom lớn hơn và họ cũng làm được điều như vậy. Đúng là hai đối thủ ngang tài ngang sức nhau”. Đó là cái cách mà người Mỹ nhận xét về những ngày đầu của cuộc chiến tranh lạnh, khi Mỹ và Liên Xô luôn ở trong tư thế sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau bằng bom nguyên tử và sau đó là bom khinh khí.


Công trường xây dựng.

Đây quả là một thời điểm đáng sợ đối với người dân hai nước và nhiều người Mỹ đã đào hầm ngầm với hy vọng căn hầm sẽ bảo vệ họ trong tình huống nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nổi bật nhất trong số này là boongke bí mật được xây dựng bên dưới khách sạn Greenbrier sang trọng ở thành phố White Sulphur Springs, bang tây Virginia - một nơi trú ẩn rộng lớn được thiết kế để chứa toàn bộ Quốc hội, gồm 100 thượng nghị sĩ, 435 hạ nghị sĩ và khoảng 500 nhân viên phục vụ, trong trường hợp bị tấn công bằng bom nhiệt hạch.

Việc khởi xướng xây dựng căn hầm đặc biệt này bắt đầu được tiến hành khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower triệu tập các nhà lãnh đạo của Quốc hội đến tham dự một cuộc họp bí mật tại Nhà Trắng. Ông thúc giục những nhân vật chủ chốt trong Quốc hội - Chủ tịch Hạ viện Sam Rayburn và lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Lyndon Johnson, cũng như các nhà lãnh đạo của các phe thiểu số ở Hạ viện và Thượng viện - xây dựng kế hoạch bảo vệ Quốc hội trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân. Nước Mỹ đã xây dựng các boongke bí mật dành cho Tổng thống và Tòa án Tối cao, và Hiến pháp quy định rằng nhánh lập pháp cũng có trách nhiệm duy trì cái mà các nhà hoạch định quân sự gọi là “sự tiếp tục tồn tại của chính phủ”. Vậy nên chẳng có gì là ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Quốc hội nhất trí và bắt đầu tìm một địa điểm để xây hầm tránh bom hạt nhân.


Cánh tây Virginia của khách sạn Greenbrier.

Không ai biết chính xác tại sao các nhà lãnh đạo lại lựa chọn Greenbrier để xây dựng boongke này, nhưng sự lựa chọn đó là hợp lý. Khách sạn gần với Washington nhưng không quá gần (khoảng năm giờ đồng hồ đi bằng ô tô hoặc xe lửa) và được bao quanh bởi các dãy núi. Các dãy núi này có thể ngăn các đám mây phóng xạ trôi từ thủ đô đến trong trường hợp thủ đô bị tấn công. Từ đây, các cơn gió cũng sẽ thổi theo hướng tây và tây nam về phía Washington. Hơn thế, Greenbrier là một địa điểm nghỉ dưỡng thân quen với nhiều chính trị gia. Họ thường đến đây để đánh golf và gặp gỡ những nhà hảo tâm giàu có. Và chính quyền liên bang từ lâu đã có sự hợp tác với khách sạn này, vốn là một bệnh viện quân y trong Thế Chiến II.

“Điều gì đã khiến Greenbrier được lựa chọn? Liệu có phải Tổng thống thích các sân golf?”. Đó là một câu hỏi pha lẫn sự hài hước nhưng có đôi chút sự thật trong đó. Tổng thống Mỹ Eisenhower thực sự mê đánh golf ở Greenbrier. Tháng 3/1956, tại một cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo các nước ở đó, ông đã có buổi gặp mặt Walter J. Touhy, Giám đốc của C&O Railway, công ty sở hữu khách sạn này. Ngày 28/3/1956, ngày mà Eisenhower rời Greenbrier sau cuộc họp, bốn nhà lãnh đạo ở Quốc hội gửi cho Touhy một bức thư với nội dung: “Bức thư này giới thiệu ông George Stewart, kiến trúc sư của Nhà Trắng, đến để tham vấn với ngài về một số vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với Quốc hội Mỹ. Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, đại diện cho lãnh đạo Quốc hội Mỹ, sẽ rất lấy làm cảm kích vì sự hợp tác của ngài”.


Bệnh viện với 12 giường.

Bức thư chỉ vẻn vẹn hai câu với nội dung khá mơ hồ này là tài liệu duy nhất thể hiện sự liên quan giữa Quốc hội với boongke bí mật ở Greenbrier. Chẳng bao lâu sau, vị kiến trúc sư của Nhà Trắng lựa chọn kỹ lưỡng một đội ngũ để làm công việc thiết kế và xây dựng một công trình ngầm khổng lồ cho Quốc hội. Chiến dịch bí mật này được thay đổi tên vài lần: đầu tiên là “Dự án X”, sau đó là “Dự án Casper” và cuối cùng là “Dự án đảo Greek”. Số tiền đầu tư cho dự án này vào khoảng 14 triệu USD, được bí mật chuyển cho không chỉ khách sạn, mà còn tới công ty sở hữu nó, C&O Railway. Công ty này làm công việc chuyên chở hàng cho quân đội Mỹ.

Tất nhiên, C&O Railway không thể công khai xây dựng boongke này mà phải che mắt bàn dân thiên hạ bằng một công trình công cộng. Theo đó, năm 1957, Greenbrier công bố kế hoạch xây dựng một tòa nhà mới ở bên cạnh tòa nhà chính. Tòa nhà này bao gồm các phòng khách, một gian trưng bày lớn và một khu vực vui chơi giải trí trong nhà. Năm 1959, công việc xây dựng được bắt đầu với việc đào bới sâu vào trong lòng đất. Điều này gây tò mò với người dân địa phương, nhất là khi họ thấy công nhân xây dựng đào một “cái hố khổng lồ”. Thật vậy, đó là cái hố lớn nhất mà họ đã từng thấy từ trước đến nay.

Chẳng bao lâu sau, các nhà thầu bắt đầu bơm một lượng lớn bê tông xuống đó - 50.000 tấn - đủ để xây các bức tường có độ dày từ 90cm đến 150cm. Toàn bộ công trường được che chắn bởi một hàng rào cao để tránh những cặp mắt tò mò nhòm ngó vào. Các công nhân xây 153 phòng, bao gồm 18 phòng ngủ tập thể, một bệnh viện có 12 giường, một nhà máy phát điện, một trường quay và các phòng riêng dành cho Hạ viện và Thượng viện. Tổng diện tích xây dựng của hai tầng ngầm này là 34.137m2. Phía trên boongke, các công nhân đắp một lớp đất nền dày 6m. Sau đó, họ xây dựng bên phía cánh tây Virginia của khách sạn một công trình với 88 phòng khách và một gian trưng bày lớn được dùng để tổ chức các cuộc triển lãm thương mại. Đây chính là công trình che mắt mọi người về “cái hố khổng lồ”.

“Việc các nghị sĩ chuyển đến boong ke bí mật là không có tính khả thi”, Ted Gup, cựu phóng viên tờ Bưu điện Washington, người tiết lộ bí mật của boongke ở Greenbrier vào năm 1992, nói. “Mỹ không thể di chuyển Quốc hội mà Liên Xô không biết. Và nếu Liên Xô biết rằng Quốc hội đã rút khỏi thủ đô, họ có lý do để tin rằng Mỹ có thể không đợi bị tấn công mà thay vào đó sẽ đánh đòn phủ đầu. Vì vậy, việc di tản Quốc hội sẽ bị xem như là một hành động Mỹ khiêu khích Liên Xô”.


Các hệ thống thiết bị liên lạc với bên ngoài.

“Hành động di chuyển Quốc hội ra khỏi Washington sẽ là một điềm báo cho Liên Xô về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra”, nhà sử học ở Greenbrier Conte cũng đồng quan điểm với Ted Gup.

Nói cách khác, boongke được xây dựng để giúp Quốc hội tránh được một cuộc tấn công hạt nhân nhưng Quốc hội không thể di chuyển đến boongke được bởi điều đó có thể dẫn đến một cuộc tấn công hạt nhân. Đây là một nghịch lý và nó lý giải tại sao boongke bí mật này chưa từng được sử dụng. Quốc hội không thể đến đó trước khi diễn ra một cuộc tấn công mà không gây nên những nghi ngờ về ý định của Mỹ. Còn nếu Quốc hội đợi sau khi xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân mới di chuyển thì không thể kịp vì lúc đó, các nghị sĩ có thể đã... tan thành tro bụi.

“Việc xây dựng căn hầm này có phải là một quyết định đúng đắn?”, nhiều nhà sử học Mỹ vẫn không ngừng đặt ra câu hỏi này. Quả thật, từ khi công trình được tiết lộ cho đến nay, người Mỹ đã không ngớt bàn luận về mục đích của căn hầm đặc biệt này.

Có lẽ thực tế đã dạy cho các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ rằng, boongke này “không thể đưa vào sử dụng được”. Nhưng đó không phải là lý do để đóng cửa căn hầm. Nó vẫn hoạt động trong 30 năm sau đó, liên tục được nhân viên của một công ty “đội lốt” hiệp hội Forsythe duy tu bảo dưỡng. Trong khi đó, lãnh đạo khách sạn Greenbrier cho biết, việc các công nhân Forsythe được thuê là để sửa chữa các máy thu hình của khách sạn. Thực tế, những công nhân này có sửa chữa máy thu hình, nhưng thời gian sửa tivi thì ít, còn thời gian bảo dưỡng những trang thiết bị tinh vi bên trong boongke (bao gồm các máy móc thiết bị liên lạc và mã hóa) thì nhiều. Dĩ nhiên, chi phí cho việc bảo dưỡng boongke được giữ bí mật, nhưng nhà sử học Conte ước tính, khoản chi phí này là hơn 1 triệu USD cho mỗi năm.


Boongke giờ là một địa điểm thu hút khách du lịch.

Năm 1991, Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh dần kết thúc. Đến thời điểm đó, Ted Gup, phóng viên điều tra của tờ Bưu điện Washington, đã được nghe nói đến cũng như được xem những bức ảnh về boongke ở Greenbrier. Ông cho biết: “Các nguồn tin của tôi là những người công tác trong ngành an ninh, họ sẽ không bao giờ chia sẻ thông tin với tôi nếu họ nghĩ cơ sở này vẫn được sử dụng”.

Gup phỏng vấn một vài quan chức chính phủ biết về boongke này và nhận thấy họ có vẻ nghi ngờ về sự tồn tại của căn hầm này. “Tôi không tin tưởng lắm vào sự tồn tại của cơ sở này”, nguyên Chủ tịch Hạ viện Tip O’Neill cho biết. O’Neill cũng nói rằng, trong trường hợp căn hầm này có tồn tại thì ông cũng sẽ không bao giờ chuyển đến đó nếu đất nước bị tấn công. “Tôi không quan tâm đến nó khi họ nói với tôi rằng vợ con tôi sẽ không được đi cùng với tôi”, ông kể cho Gup nghe. “Lạy Chúa Jesus, ngài đừng có nghĩ rằng, con sẽ chạy trốn và bỏ mặc vợ con con. Đó là điều điên rồ nhất mà con từng nghe nói đến” - Tip O’Neill cho biết.

Năm 1992, trong khi Gup đang chuẩn bị viết về đề tài này, Thomas Foley, lúc đó là Chủ tịch Hạ viện, đã cho gọi Leonard Downie, Tổng Biên tập của tờ Bưu điện lúc bấy giờ, đến Nhà Trắng và yêu cầu Downie không cho đăng tải bài viết này. “Foley nói, nếu chúng ta công bố, ông sẽ phải đóng cửa boongke”, Downie nhớ lại. “Nhưng Ted Gup đã nói với các đại biểu Quốc hội, những người khẳng định họ sẽ không đi bởi vì họ không thể mang theo gia đình… Với tôi, dường như việc cho đăng tải bài viết này sẽ không phương hại đến an ninh quốc gia hay an toàn xã hội”.

Ngày 31/5/1992, tờ Bưu điện công bố câu chuyện của Gup, “Hầm tránh bom siêu hạng của Quốc hội”. Không chỉ nhận được sự quan tâm của người dân trong nước, bài báo còn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khiến Quốc hội Mỹ ngay lập tức kết thúc chương trình boongke bí mật.

“Quốc hội lo ngại người dân cho rằng, Quốc hội bảo vệ chính họ chứ không bảo vệ người dân”, Conte nói. “Và bởi vì nó nằm ở Greenbrier, người dân sẽ nghĩ, các nghị sĩ thì đến một khu nghỉ dưỡng sang trọng trong khi người dân thì bị chết cháy’”.

“Chính sự tồn tại của công trình này đã bị hé lộ đã buộc Quốc hội đi đến một kế hoạch trách nhiệm hơn”, Gup nói. “Nó phơi bày một kế hoạch lạc hậu và khiến Quốc hội phải xây dựng một kế hoạch khả thi hơn”.

Hiện phần lớn boongke ở Greenbrier đang được sử dụng là một kho chứa đĩa hát của một tổng công ty lớn. Phần còn lại là một địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch.

Quả tình, không ai có thể tượng tượng rằng, một siêu công trình nằm sâu trong lòng đất, được đầu tư tới 14 triệu USD cách đây nửa thế kỷ nhưng lại chỉ được dùng vào mục đích du lịch và làm kho chứa đồ!

Cập nhật: 28/09/2017 Theo baomoi
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video