Khám phá thú vị về hệ tuần hoàn của con người

Động mạch, mao mạch và tĩnh mạch trong hệ tuần hoàn của một người có thể đạt chiều dài lên tới 100.000 km nếu ghép lại với nhau, đủ quấn quanh Trái Đất 2,5 lần.


Theo Live Science, nếu nối tất cả động mạch, mao mạch và tĩnh mạch ở một người trưởng thành, chúng ta sẽ thu được chiều dài 100.000 km. Mao mạch có kích cỡ nhỏ nhất, chiếm khoảng 80% chiều dài nói trên. Chiều dài của tất cả mạch máu đủ quấn quanh Trái Đất 2,5 lần (chu vi Trái Đất khoảng 40.000 km). (Ảnh: Wikipedia).


Mao mạch trong cơ thể người rất nhỏ, đường kính trung bình chỉ khoảng 8 micronmet, bằng 1/10 đường kính sợi tóc. Các tế bào hồng cầu có kích cỡ tương tự như mao mạch, nên chúng phải di chuyển thành từng hàng. Một số mao mạch có đường kính nhỏ hơn một chút so với tế bào máu, nên tế bào máu buộc phải tự thay đổi hình dạng, bóp méo lại để di chuyển qua. (Ảnh: Wikipedia).


Trong thế giới động vật, nhịp tim tỷ lệ nghịch với kích thước cơ thể. Động vật có kích thước cơ thể càng lớn thì nhịp tim càng chậm. Người trưởng thành có nhịp tim trung bình 75 nhịp/phút, tương tự như một con cừu. Quả tim của cá voi xanh lớn bằng chiếc xe hơi nhỏ chỉ đập khoảng 5 nhịp/phút. Ngược lại, một con chuột chù có nhịp tim khoảng 1.000 nhịp/phút. (Ảnh: Đại học Oregon, M)ỹ.


Quả tim tự sản sinh xung điện cho riêng mình, tạo ra nhịp đập. Chừng nào tim còn nhận được oxy, nó sẽ tiếp tục đập, ngay cả khi bị lấy ra khỏi cơ thể. (Ảnh: Live Science).


Tài liệu chữ viết sớm nhất được biết đến về hệ tuần hoàn xuất hiện trong sách giấy cói Ebers Papyrus, một tư liệu y khoa của người Ai Cập có niên đại từ thế kỷ 16 trước Công nguyên. Quyển sách mô tả kết nối sinh lý giữa tim và động mạch. Theo đó, sau khi con người hít không khí vào phổi, không khí sẽ di chuyển vào tim và chuyển sang các động mạch. Sách không đề cập đến vai trò của tế bào hồng cầu.
Người Ai Cập cổ đại tin rằng, trái tim chứ không phải bộ não là nguồn gốc của cảm xúc, trí tuệ, khả năng ghi nhớ. Trong quá trình ướp xác, người Ai Cập cẩn thận lấy tim và các cơ quan nội tạng ra để bảo quản, nhưng lại rút não qua đường mũi và vứt bỏ nó. (Ảnh: Wikipedia).


Galen, vị bác sĩ kiêm triết gia người Hy Lạp, đưa ra mô hình hệ thống tuần hoàn vào thế kỷ thứ 2. Ông nhận thấy hệ tuần hoàn gồm máu trong tĩnh mạch (màu đỏ sẫm) và máu trong động mạch (màu đỏ tươi), hai loại mạch này có chức năng khác nhau. Theo ông, hệ tuần hoàn bao gồm hai hệ thống một chiều phân phối máu và gan là cơ quan sản xuất máu trong tĩnh mạch. Quả tim là cơ quan hút máu, không phải là cơ quan bơm máu đi nuôi cơ thể.
Lý thuyết về hệ tuần hoàn của Galen thống trị giới y học phương Tây cho tới những năm 1600, khi bác sĩ người Anh William Henry mô tả chính xác sự lưu thông máu trong hệ tuần hoàn. (Ảnh: Wikipedia).


Không giống những tế bào khác trong cơ thể, hồng cầu là tế bào không có nhân nên chúng không thể tự phân chia hoặc tổng hợp thành các tế bào mới. Mỗi tế bào hồng cầu gồm nhiều ngăn chứa khí oxy đi nuôi cơ thể. Sau khi lưu thông trong cơ thể khoảng 120 ngày, các tế bào hồng cầu sẽ chết do lão hóa hoặc bị phá hủy. Nhưng tủy xương của chúng ta liên tục sản sinh ra nhiều tế bào hồng cầu mới để thay thế cho số lượng mất đi đó. (Ảnh: Live Science).


Những chấn động về mặt cảm xúc như mất đi người thân, ly hôn, hay chia tay người yêu có thể làm "trái tim tan vỡ", kéo theo sự suy yếu tạm thời của cơ tim. Tình trạng này còn được gọi là bệnh lý cơ tim do căng thẳng, dẫn tới những triệu chứng gần giống một cơn đau tim như: đau ngực, khó thở, đau nhức cánh tay. (Ảnh: Anna Khomulo).


Thông tim là liệu pháp y học phổ biến ngày nay, được thực hiện bằng cách đưa một ống thông dài và mảnh vào mạch máu người bệnh, sau đó luồn tới tim. Các bác sĩ sử dụng kỹ thuật này để thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán tim, chẳng hạn như đo lượng oxy tại các phần khác nhau của tim và kiểm tra lưu lượng máu chảy trong động mạch vành. (Ảnh: Michael Gray).


Dòng máu giàu oxy chảy trong động mạch và mao mạch luôn có màu đỏ tươi. Sau khi vận chuyển oxy tới các mô của cơ thể, máu chuyển sang màu đỏ sẫm và nhanh chóng quay trở lại tim thông qua các tĩnh mạch. Tĩnh mạch có thể trông giống màu xanh khi nhìn qua da, nhưng thực tế màu xanh của tĩnh mạch là do tương tác của ánh sáng với da, lượng oxy trong máu, độ sâu của tĩnh mạch và một số yếu tố khác. (Ảnh: Wikipedia).


Trên Trái Đất, máu trong cơ thể người luôn dồn xuống hai chân vì sức hút của trọng lực. Tĩnh mạch ở chân có các van, giúp lưu thông máu từ hai chân chảy ngược về tim. Mọi chuyện sẽ khác hẳn khi con người ở trong không gian. Máu không dồn xuống hai chân nữa mà dồn về ngực và đầu (hiện tượng chuyển dịch chất lỏng). Hiện tượng này khiến các phi hành gia bị nghẹt mũi, đau đầu và phù nề ở mặt. (Ảnh: NASA).

Cập nhật: 10/06/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video