Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, số liệu thống kê nhiệt độ trung bình ở TP.HCM từ năm 1984 đến 2004 cho thấy nhiệt độ ở thành phố đang ngày càng tăng lên.
Sự tăng lên số lượng xe cơ giới là một trong các nguyên nhân khiến khí hậu ở TP.HCM ngày càng nóng lên. Ảnh: N.C.T. |
Thạc sĩ Xuân Lan cho biết trước đây nhiệt độ cao nhất trong khu vực Nam Bộ luôn xuất hiện tại Phước Long, Đồng Xoài hoặc Xuân Lộc. Tuy nhiên những năm gần đây, đã có những lần nhiệt độ tại TP.HCM tương đương hoặc cao hơn nhiệt độ nóng nhất trong năm tại các khu vực này.
Một thống kê khác của Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiền Thuận, Phó phân viện trưởng Phân viện Khí tượng Thuỷ văn phía Nam cũng cho thấy, nhiệt độ trung bình tại TP.HCM liên tục tăng lên. Đặc biệt, trong 5 năm 2001-2005, nhiệt độ trung bình tại thành phố đã lên đến 280C, tăng 0,40C so với giai đoạn 1991-2000, bằng mức tăng của 40 năm trước đó. Trong khi đó, theo các nhà khoa học trên thế giới, việc thay đổi nhiệt độ ở mức 0,20C đã có thể gây ra những tác hại lớn.
Theo các nhà chuyên môn, ngoài nguyên nhân do hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân nóng lên tại TP.HCM còn do hiệu ứng đảo nóng đô thị do thành phố hiện có ít cây xanh, các đường phố hẹp với các tòa nhà cao, làm giảm dòng không khí lưu thông.
Bên cạnh đó, số lượng dân cư gia tăng, số lượng xe cơ giới, máy điều hòa và các thiết bị làm lạnh tăng cao khiến cho hiệu ứng nóng lên này càng trầm trọng hơn. Lượng rác thải, chất thải nhiều hơn trong đô thị cũng góp phần tác động đến sự thay đổi nhiệt độ của thành phố.
Theo các nhà chuyên môn, sự thay đổi về nhiệt độ có thể kéo theo sự thay đổi về môi trường sinh thái, khiến cho dịch bệnh phát triển hơn. Bên cạnh đó, không khí nóng bức, ngột ngạt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Do mật độ dân cư đông nên mức độ ảnh hưởng của việc gia tăng thời tiết tại TP.HCM càng đáng ngại.
Sự thay đổi về nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến sự dâng cao của mực nước biển, thay đổi một số dòng không khí, ảnh hưởng đến tài nguyên nước và các vấn đề tưới tiêu trong nông nghiệp.