Trong thời đại công nghệ điện tử bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, nhiều sản phẩm đã lột bỏ tính năng đơn thuần của nó và thay vào "chiếc áo công nghệ" rực rỡ, với vô số những chức năng hữu ích mới lạ. Mắt kính là một trong những câu chuyện như thế.
1. Kính tự điều chỉnh theo nhu cầu emPowers
Các loại kính hai tròng thường có hai thấu kính, nằm ở trên và dưới mắt kính, giúp người dùng phóng xa hay thu hẹp tầm nhìn bằng cách dùng tay điều chỉnh kính cao thay thấp. Nhưng mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn với kính công nghệ emPowers – một loại kính điện tử hoạt động bằng pin có khả năng tự điều chỉnh khoảng cách theo ý chủ nhân.
Khi muốn đọc chữ, kính emPowers, được trang bị các vi mạch và một cục pin trên gọng kính, sẽ phát hiện cử động và kích hoạt pin phát ra dòng điện làm cho các tinh thể lỏng trong kính thay đổi cấu trúc khiến tròng kính trở nên dày hoặc mỏng hơn để tương thích với mục đích sử dụng của chủ nhân. Kính emPowers trị giá 800 bảng Anh.
2. Kính hỗ trợ thính giác
Loại kính do công ty Varibel (Hà Lan) chế tạo chứa một dãy gồm 4 micro nhỏ ở mỗi bên quay đeo của kính, giúp chọn lọc âm thanh ở hướng mà chủ nhân đang nhìn. Âm thanh thu được bởi các micro sẽ được truyền vào ống tai của chủ nhân, như vậy người khiếm thính giảm lệ thuộc vào máy trợ thính.
Các nhà sáng chế cho rằng loại kính hỗ trợ thính giác sẽ giúp các bài diễn thuyết dễ hiểu hơn và cho phép người nặng tai có thể phân biệt được lời nói của người diễn thuyết với những tiếng ồn khác trong căn phòng đông người. Kính này có giá 1.700 bảng Anh.
3. Kính tạo niềm vui
Liệu pháp sử dụng ánh sáng được ứng dụng điều trị nhiều căn bệnh như rối loạn cảm xúc và trầm cảm, đặc biệt, ánh sáng trắng được cho là thúc đẩy sự hình thành các hóa chất gây hưng phấn trong não bộ. Luminette, kính tạo niềm vui được thiết kế với 8 bóng đèn nhỏ giúp cung cấp ánh sáng trắng cho mắt của người sử dụng.
Tiến hành thử nghiệm đối với 32 người sử dụng Luminette, các nhà nghiên cứu tại Đại học Liege (Bỉ) kết luận những triệu chứng trầm cảm ở những người tham gia thử nghiệm đã giảm dần trong khi trạng thái phấn khởi tăng lên. Luminette có giá 200 bảng Anh.
4. Kính nhuộm màu tĩnh mạch
Loại kính đặc biệt này rất hữu ích trong lĩnh vực y tế do nó giúp tĩnh mạch dưới da hiện ra rõ và dễ nhìn thấy hơn. Chúng có 3 màu: tím, xanh lá và hồng.
Kính màu tím sẽ "biến" những tĩnh mạch dưới da thành màu tím và giúp xác định lượng ôxy trong máu, kính màu xanh giúp đo lượng máu dưới da, trong khi kính màu hồng giúp phát hiện những thay đổi tinh vi trên da liên quan đến cảm xúc. Các nhà nghiên cứu cho rằng da của người nổi giận sẽ có màu đỏ hơn và người lo lắng thì xanh hơn. Trong những trường hợp này, xác định cảm xúc thường được sử dụng trong công tác an ninh và cũng có thể là những ứng dụng trong nghiên cứu điều trị bệnh tự kỷ.
5. Giảm nguy cơ mắc bệnh khi làm việc ban đêm
Làm việc ban đêm thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe như ung thư, đau tim, trầm cảm và tăng cân. Nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ giữa tình trạng này với hàm lượng thấp melatonin, loại hoóc-môn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể. Việc sản xuất melatonin trong cơ thể gia tăng tự nhiên trong bóng tối, nhưng quá trình này ở những người làm ca đêm bị phá hủy do họ luôn tiếp xúc với ánh sáng đèn.
Để loại bỏ nguy cơ trên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto (Canada) đã phát triển một loại kính có thể ngăn các bước sóng ánh sáng nào đó có liên quan đến việc ức chế cơ thể sản sinh melatonin.
6. Giảm mệt mỏi sau chuyến bay dài
Được phát minh bởi các nhà khoa học tại Đại học Flinder (Úc), kính Re-Timer có thể được dùng để giảm mệt mỏi ở những người trải qua những chuyến bay dài nhờ vào ánh sáng xanh lá được thiết kế ở hai mép của kính dùng chiếu vào mắt người sử dụng.
Giáo sư Leon Lack, nhà tâm lý học tham gia sáng chế kính Re-Timer, cho rằng nghiên cứu mở rộng cho thấy ánh sáng xanh lá là một trong những bước sóng hiệu quả trong việc cải thiện hay trì hoãn nhịp sinh học của cơ thể. Kính Re-Timer giá 175 bảng Anh.
7. Bạn đồng hành với người khiếm thị
Một cặp kính được thiết kế với hai camera cực nhỏ gắn hai bên tròng kính, đã trở thành trợ thủ đắc lực cho những người khiếm thị trong các thử nghiệm.
Kính do các nhà khoa học tại Đại học Oxford nghiên cứu hoạt động trên nguyên lý sử dụng camera để ghi hình chướng ngại vật di chuyển xung quanh người đeo kính và chuyển tải thành hình ảnh lên tròng kính, theo đó, vật nào càng gần thì càng chói sáng hơn. Dự kiến, loại kính có giá 600 bảng Anh sẽ có mặt trên thị trường trong khoảng 2 năm nữa.
8. Kính chữa hoa mắt, chóng mặt
Hoa mắt, chóng mặt xuất hiện khi các cảm biến cân bằng trong cơ thể (cả ở tai trong và não bộ) bị rối loạn. Các nhà khoa học tin rằng thị lực ngoại biên của chúng ta – khu vực xung quanh tầm nhìn trung tâm – là yếu tố quyết định cảm giác của cơ thể với môi trường xung quanh, do đó, việc tạo ra một điểm cố định tại vùng thị lực ngoại biên sẽ giúp giải quyết những vấn đề về thăng bằng của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Israel đã phát triển thành công một loại kính chứa những điểm tập trung trên tròng kính nhằm giúp chữa trị tình trạng hoa mắt, chóng mặt và đang được thử nghiệm tại Trung tâm Y tế Meir.
9. Giúp phát hiện bệnh tự kỷ
Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đang sử dụng kính theo dõi mắt để đánh giá khả năng tương tác bằng mắt ở trẻ em – yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán nhiều căn bệnh ở trẻ, nhất là bệnh tự kỷ.
Loại kính mới này chứa hai camera nhỏ nhằm theo dõi những cử động ở mắt và các nhà nghiên cứu cho rằng công nghệ mới có thể hữu ích trong việc hỗ trợ các bác sĩ xác định sớm căn bệnh tự kỷ, thường được chẩn đoán khá muộn, khiến trẻ không có nhiều cơ hội cải thiện khả năng giao tiếp, học tập.