Các nhà khoa học ở Trung Quốc vừa công bố sự ra đời của một thế hệ linh trưởng độc đáo, không giống với bất kỳ loài nào từng được ghi nhận trước đây.
Con khỉ đực được sinh ra trong phòng thí nghiệm là sản phẩm của một phương pháp chưa từng có trước đây.
Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học sử dụng tế bào gốc đa năng của 2 quả trứng được thụ tinh khác biệt về mặt di truyền từ cùng một loài khỉ để tạo ra một giống khỉ đuôi dài mới (tên khoa học: Macaca fascicularis).
Các tế bào huỳnh quang phát sáng màu xanh lá cây và vàng được tìm thấy trong mắt và ngón tay của chú khỉ 3 ngày tuổi. (Ảnh: Cell).
Điều này khiến chú khỉ được ra đời sở hữu những đặc điểm "không giống ai", như đôi mắt màu xanh lá cây tựa loài mèo, và các đầu ngón tay phát sáng màu vàng.
Theo các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và Anh, đây không phải là loài khỉ sống đầu tiên trên thế giới được hình thành nhân tạo từ sự hợp nhất của nhiều quả trứng được thụ tinh.
Thế nhưng, nó dường như là loài có cấu trúc gene hỗn hợp phức tạp nhất. Cụ thể, bên trong cơ thể của loài động vật đặc biệt này, các tế bào và mô được tạo ra từ 2 dòng tế bào gốc riêng biệt.
Trong số 26 loại mô khác nhau mà các nhà khoa học đo được, sự đóng góp của các tế bào gốc được hiến tặng thêm dao động từ 21% đến 92%. Con số này vượt xa rất nhiều so với những kết quả trước đây, khi các con khỉ thí nghiệm được tạo ra chỉ có tỷ lệ tế bào hiến tặng từ 0,1 đến 4,5%.
Zhen Liu, tác giả của nghiên cứu, cho biết, sự đột phá này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về giai đoạn đầu của quá trình biệt hóa tế bào gốc ở loài linh trưởng, vốn gần như chưa được nghiên cứu kỹ như ở chuột.
Dẫu vậy, tình trạng sức khỏe hiện tại của chú khỉ vẫn còn là một vấn đề cần phải giải quyết. Trước đây, những chú khỉ sinh ra theo dạng này thường chỉ sống được ít ngày vì hệ thống miễn dịch của nó quá yếu.