Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng, nếu đặt toàn bộ bầu khí quyển của Trái Đất lên một chiếc cân đặc biệt thì kết quả nhận được sẽ là bao nhiêu? Dám chắc đáp án được tiết lộ trong bài viết dưới đây sẽ khiến không ít người phải ngạc nhiên!
Vào năm 1798, nhà vật lý học Henry Cavendish (Vương quốc Anh) đã trở thành người đầu tiên trên thế giới tính toán được gần chính xác khối lượng của Trái đất. Để đạt được thành quả này, Henry Cavendish đã phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện cơ sở lý thuyết cũng như phương pháp tính.
Nhà vật lý học Henry Cavendish.
Về cơ bản, nhà vật lý này đã tính toán khối lượng riêng hành tinh của chúng ta, dựa trên giá trị lực hấp dẫn (G) của Trái đất, đã được nhà bác học Isaac Newton đưa ra vào năm 1687, kết hợp cùng thí nghiệm đo lực hấp dẫn giữa 2 quả bóng chì nặng lần lượt 0,73kg và 158kg mà ông tự thực hiện.
Kêt quả mà Henry Cavendish đã đưa ra về khối lượng Trái đất là: 6.000.000.000.000.000.000.000.000kg (6x10^24kg). Và bạn sẽ cảm thấy thực sự thán phục nhà vật lý này khi chỉ với các công cụ thô sơ của thế kỷ 18, mà ông đã đưa ra đáp án chỉ sai lệch so với khối lượng thực (đã được tính toán lại bằng công nghệ hiện đại) của Trái đất khoảng 1%.
Theo các các nhà khoa học, khí quyển được cấu tạo bởi gần 20 chất khí khác nhau.
Quay trở lại với câu hỏi đề bài, chúng ta cần biết rằng, bao quanh Trái đất là một lớp dày không khí, gọi là bầu khí quyển. Theo các các nhà khoa học, khí quyển được cấu tạo bởi gần 20 chất khí khác nhau, với 2 khí chính là Oxy và Nitơ. Ngoài ra, trong này còn có thêm hơi nước và các hạt bụi nhỏ li ti. Mặc dù có khối lượng rất nhẹ đến mức chúng ta dường như khó có thể cảm thấy sức nặng, nhưng bầu khí quyển của Trái đất lại cực kỳ dày.
Do đó, nếu đặt toàn bộ bầu khí quyển lên một chiếc cân, con số mà chúng ta nhận được sẽ lên tới khoảng: 5.500.000.000.000.000.000 kg (5,5x10^18kg hay 5,5 tỷ tỷ tấn). Con số này xấp xỉ một phần triệu khối lượng của Trái đất.