Vậy là mùa giải UEFA Champions League 2021/22 đã chính thức khép lại với trận chung kết giữa Real Madrid và Liverpool vào cuối tuần trước. Một lần nữa, chúng ta được chứng kiến Real Madrid lên ngôi vô địch Châu Âu còn Liverpool trở thành đội á quân vĩ đại.
Nhưng một hình ảnh còn quen thuộc hơn nữa mà bạn sẽ thấy trong các trận đấu quan trọng: Đó là cảnh các cầu thủ khóc. Chúng ta thấy Henderson, Firmino, Van Dijk và cả Salah đã khóc từ lúc trận đấu kết thúc đến lúc lên bục trao huy chương bạc.
Các cầu thủ Liverpool khóc khi để thua Real Madrid trong trận chung kết UEFA Champions League 2021/22
Ở phía còn lại, Vinicius, Carvajal, Mooric và Marcelo của Real Madrid cũng bật khóc nức nở dù họ thực sự là đội bóng đã chiến thắng. Và bạn còn nhớ không, trong trận đội tuyển Việt Nam để thua đội tuyển bóng đá Trung Quốc vào cuối năm ngoái, một loạt các chàng trai của chúng ta cũng đã bật khóc.
Người ta nói bóng đá là một môn thể thao giàu cảm xúc. Nhưng hẳn vẫn có một cái gì đó lấn cấn khi nghĩ rằng những cầu thủ, bình thường không ngại va chạm trên sân cỏ, những hình mẫu quảng cáo cho sự nam tính lại có thể rơi lệ.
Dĩ nhiên, nếu bạn là một cầu thủ thì bạn sẽ hiểu đôi khi những giọt nước mắt cứ tự nhiên trào ra thế thôi. Nhưng để người hâm mộ và nhất là những khán giả trung lập hiểu được những giọt nước mắt trong bóng đá, chúng ta hãy thử soi chiếu nó dưới lăng kính khoa học.
Là con người, chúng ta khóc
Khóc được định nghĩa là sự rơi nước mắt để đáp lại một trạng thái cảm xúc. Nó khác với việc nước mắt tự nhiên chảy ra như một phản xạ. Có thể, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có tới 3 loại nước mắt:
- Nước mắt giúp bôi trơn giác mạc đang chảy ra mọi lúc.
- Nước mắt túa ra như một phản xạ khi mắt bạn có các phần tử lạ hoặc bụi bẩn cần được rửa sạch.
- Nước mắt khi bạn thực sự khóc vì cảm xúc.
Loại nước mắt thứ ba dường như chỉ xuất hiện ở con người. Nên nếu bạn thấy đôi khi chó mèo nhà mình rưng rưng ngấn lệ, đó không phải chúng buồn đâu. Tất cả chỉ là một cú lừa.
Các cầu thủ Real Madrid khóc sau khi chiến thắng Liverpool trong trận chung kết UEFA Champions League 2021/22.
Vậy mà ngay cả Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, cũng từng nghĩ động vật khóc khi buồn. Ông ấy đã miêu tả những giọt nước mắt của voi Ấn Độ lúc hấp hối và kể về một con khỉ macaque ở Vườn thú London biết khóc.
Các nhà sinh vật học hiện đại không đồng ý với Darwin. Họ cho biết trong khi tất cả các loài động vật trên cạn đều có khả năng tiết nước từ tuyến lệ, mục đích chính của phản xạ đó chỉ là để giữ ẩm, bôi trơn và làm sạch mắt.
Các loài động vật tiết nước mắt trong hai trường hợp:
- Một là nước mắt cơ bản, dùng để làm ẩm và bảo vệ giác mạc khỏi bị khô do gió hoặc nhiệt độ cao làm bay hơi nước.
- Hai là nước mắt phản xạ được tạo ra với khối lượng lớn hơn, khi mắt của chúng bị kích ứng bởi ánh sáng chói, các hạt bụi hoặc bị vật thể lạ chọc vào mắt. Ăn quá cay hoặc khi nôn mửa cũng có thể tạo ra nước mắt phản xạ.
Kim A. Bard, một nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Portsmouth cho biết ngay cả các loài linh trưởng có họ hàng gần với chúng ta nhất cũng không thể hiện cảm xúc bằng nước mắt. Khi đau buồn hoặc sợ hãi, chúng thường chỉ rên rỉ hoặc kêu gào chứ không hề khóc.
Khi nói đến những giọt nước mắt xúc động, con người chúng ta là loài duy nhất thể hiện chúng.
Giáo sư Ad Vingerhoets, một nhà tâm lý học người Hà Lan đồng ý với điều đó. Ông nhấn mạnh trong cuốn sách "Tại sao chỉ có con người biết khóc: Làm sáng tỏ những bí ẩn của nước mắt":
"Khi nói đến những giọt nước mắt xúc động, con người chúng ta là loài duy nhất thể hiện chúng. Tất cả các loài động vật có vú chỉ phát ra tiếng kêu thống khổ, chẳng hạn như trường hợp một con non bị tách ra khỏi mẹ của nó. Chỉ có con người mới khóc".
Vậy tại sao chúng ta khóc?
Charles Darwin từng tuyên bố những giọt nước mắt xúc động là "không có mục đích". Nhưng một lần nữa sau gần 150 năm sau, các nhà khoa học hiện đại không đồng ý với ông ấy.
Theo tiến sĩ Thomas Dixon, giám đốc Trung tâm Lịch sử Cảm xúc tại Đại học London: Khóc dường như là một phản xạ ra đời từ quá trình tiến hóa của loài người. Những đứa trẻ sơ sinh trong quá khứ sẽ nhắm mắt thật chặt để bảo vệ cơ quan quan trọng này khi chúng gào thét đòi mẹ. Phản ứng ban đầu này không có gì khác với các loài linh trưởng như khỉ hoặc tinh tinh.
"Nhưng ở con người, nhắm mắt chặt sẽ làm co các tuyến nội tiết và nước mắt sẽ ứa ra. Một quá trình liên kết thầm lặng sau đó dần gán ghép phản ứng này vào tất cả các loại cảm xúc đau khổ khiến chúng ta biết khóc", Dixon nói.
Những đứa trẻ sơ sinh trong quá khứ sẽ nhắm mắt thật chặt để bảo vệ cơ quan quan trọng này khi chúng gào thét đòi mẹ.
Giáo sư Vingerhoets cho biết thêm khóc không chỉ là một phản ứng tiến hóa theo giống loài, mà nó còn phát triển theo độ tuổi. Chẳng hạn như càng lớn lên, bạn càng khóc nhỏ đi.
Giống như con người khi khóc không kêu gào giống như các loài vượn và khỉ nữa, người lớn sẽ không khóc thành tiếng giống như trẻ con. Thay vào đó, họ phát triển khả năng thể hiện cảm xúc qua nước mắt.
Ở loài người, nước mắt đã phát triển thành một tín hiệu giao tiếp ở cự ly gần, cho phép chúng ta ra dấu với những người khác rằng mình đang dễ bị tổn thương và cần được hỗ trợ.
Đây cũng là một đặc điểm chính của giống loài chúng ta. Trong khi các loài động vật khác được sinh ra với cơ thể và các kỹ năng sinh tồn hoàn chỉnh, con người bước vào thế giới trong một hình hài sơ sinh dễ bị tổn thương và không có đủ thể chất để tự mình giải quyết bất cứ việc gì.
Khóc báo hiệu cho chính bạn và những người khác thấy rằng có một số vấn đề quan trọng đang tạm thời nằm ngoài khả năng đối phó của bạn. Và có thể bạn cần sự giúp đỡ.
Jonathan Rottenberg, một nhà nghiên cứu cảm xúc và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Nam Florida, cho biết: "Khóc báo hiệu cho chính bạn và những người khác thấy rằng có một số vấn đề quan trọng đang tạm thời nằm ngoài khả năng đối phó của bạn. Và có thể bạn cần sự giúp đỡ".
Trong những thí nghiệm kinh điển, các nhà khoa học đã cho tình nguyện viên xem hình ảnh của cùng một khuôn mặt khi có và không có nước mắt. Kết quả là những khuôn mặt có nước mắt đã gợi lên sự đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ hơn những bức ảnh còn lại.
Nước mắt có những công thức hóa học riêng
Vậy là giả thuyết hàng đầu giải thích tại sao chúng ta khóc nói rằng nước mắt là một phương tiện để gắn kết người với người, tạo ra sự đồng cảm và tương trợ trong giống loài của mình.
Để tiếp tục chứng minh điều đó, các nhà khoa học đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy nước mắt xúc động khác với nước mắt phản xạ, loại mà bạn sẽ gặp phải khi cắt hành. Điều này có thể giúp giải thích tại sao khóc lại truyền tín hiệu cảm xúc mạnh mẽ đến người khác.
William Frey, một nhà hóa học, tác giả cuốn sách "Khóc: Bí ẩn của nước mắt", đã thu thập nước mắt của 42 người phụ nữ khóc khi họ xúc động và so sánh chúng với những giọt nước mắt phản xạ của 61 phụ nữ khác.
Kết quả cho thấy những giọt nước mắt xúc động có chứa các enzym, lipid, chất chuyển hóa và chất điện giải. Và đặc biệt nước mắt xúc động chứa nhiều protein hơn tới 21%.
Nước mắt xúc động chứa nhiều protein hơn tới 21% so với nước mắt chảy ra khi bạn cắt hành.
Frey cũng phát hiện ra những giọt nước mắt xúc động chứa nhiều hóa chất khác như prolactin và hooc-môn vỏ thượng thận (ACTH), hooc-môn căng thẳng và leucine enkephalin, một loại thuốc giảm đau tự nhiên tương tự như morphine.
Một giả thuyết cho rằng hàm lượng protein cao hơn làm cho nước mắt cảm xúc nhớt hơn, vì vậy chúng bám vào da mạnh hơn và chảy xuống mặt chậm hơn, khiến chúng dễ bị người khác nhìn thấy hơn.
Và một lần nữa, nó dẫn chúng ta trở lại lý thuyết cho rằng khóc là một tín hiệu cho người khác thấy chúng ta đang bị tổn thương và gợi lên sự đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ.
Trong khi đó, một giả thuyết ít cảm động hơn tập trung vào khía cạnh khóc như một hành vi thao túng người khác. Giáo sư Jonathan Rottenberg, một nhà nghiên cứu cảm xúc tại Đại học Nam Florida cho biết: "Chúng tôi sớm biết rằng khóc có tác dụng thực sự mạnh mẽ đối với người khác. Nó có tác dụng hóa giải cơn giận rất mạnh mẽ".
Đó là một phần lý do khiến ông nghĩ rằng nước mắt là thứ không thể thiếu trong cuộc chiến giữa những người đang yêu - đặc biệt là khi ai đó cảm thấy có lỗi và muốn người kia tha thứ.
Khóc có tác dụng mạnh mẽ đối với người khác. Nó có thể hóa giải cơn giận dữ.
Một nghiên cứu trên tạp chí Science cho rằng nước mắt của phụ nữ chứa một chất ức chế sự kích thích tình dục của đàn ông. Nó có thể làm giảm sự hung hăng của phái mạnh. Và ngay cả nước mắt của những người đàn ông cũng có tác dụng tương tự.
Các nhà khoa học chưa thực sự biết hóa chất nào trong số 160 phân tử có trong nước mắt đã kích thích phản ứng này, nhưng thực sự nước mắt có thể thao túng cảm xúc của người khác.
Tại sao các cầu thủ bóng đá nam tính là thế mà cũng khóc?
Sau tất cả những lý thuyết trên, bạn có thể rút ra cho mình một câu trả lời đơn giản: Cầu thủ bóng đá cũng là con người. Và bóng đá là một bộ môn có những phút giây kịch tính giàu cảm xúc. Không khó hiểu khi các cầu thủ cũng khóc.
Tuy nhiên, chúng tôi muốn đi sâu hơn thế. Tại sao một số cầu thủ không khóc mà một số cầu thủ lại mau nước mắt hơn?
Tại sao một số cầu thủ hiếm khi khóc mà một số cầu thủ lại mau nước mắt hơn?
Trên thực tế, điều này liên quan đến một khái niệm được gọi là ngưỡng khóc – được định nghĩa là thời điểm mà một cảm xúc dữ dội kích hoạt sự rơi nước mắt của chúng ta.
Ngưỡng này khác nhau ở mỗi người. Một số người có ngưỡng khóc thấp thì chỉ cần một cú hích nhỏ, chẳng hạn như khi lỡ xe buýt đi làm hoặc bị bạn bè trêu chọc họ đã khóc.
Nhưng đối với những người có ngưỡng cao, họ cần một sự kiện lớn hơn chẳng hạn như mất người thân để tạo ra cảm xúc đủ mạnh để khóc. Các ngưỡng này cũng có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của một người hoặc thậm chí trong một ngày.
Chẳng hạn, thể chất kiệt quệ có thể khiến một người dễ rơi nước mắt hơn. Và điều này đặc biệt đúng với một cầu thủ bóng đá đã trải qua 90 phút, đôi khi là 120 phút thi đấu căng não cùng màn sút luân lưu đầy cảm xúc.
Nhưng một lần nữa, tại sao mệt mỏi hơn khiến các cầu thủ dễ khóc hơn? Và cả chúng ta cũng vậy, đôi khi chúng ta khóc chỉ vì quá ốm, quá mệt mỏi?
Lý do là bởi bên trong bộ não của chúng ta, những cảm xúc mạnh mẽ sẽ kích hoạt thứ được gọi là mạng lưới tự trị trung tâm. Mạng lưới này bao gồm hai phần: hệ thống giao cảm (kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của chúng ta khi chúng ta nhận thấy nguy hiểm) và hệ thống thần kinh đối giao cảm, giúp phục hồi cơ thể về trạng thái bình tĩnh.
Cảm xúc mạnh mẽ kích hoạt phần giao cảm của hệ thống này, nhưng khi chúng ta khóc, phần đối giao cảm được kích hoạt lại khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn.
Thể chất kiệt quệ làm vỏ não trước hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến khả năng kiềm chế cảm xúc kém hơn. Điều này giải thích tại sao một cầu thủ bóng đá đã trải qua 120 phút thi đấu căng não cùng màn sút luân lưu thường khóc.
Chúng ta được huấn luyện từ khi còn nhỏ để kiểm soát cảm xúc của mình, kiềm chế những biểu hiện cảm xúc tiêu cực về thể chất. Ví dụ, khóc khi xem một bộ phim buồn thì không sao, nhưng khóc ở nơi làm việc thường bị coi là ít chấp nhận được.
Vỏ não trước, hay phần chịu trách nhiệm cho tư duy của não chúng ta, nó cũng phản ứng với các tín hiệu cảm xúc do mạng lưới tự trị trung tâm phát ra, giúp chúng ta điều chỉnh phản ứng cảm xúc để đối phó với cảm xúc của mình theo những cách có kiểm soát.
Vỏ não trước trán giống như bộ xử lý chính của máy tính, quản lý các tác vụ để giữ cho hệ thống hoạt động tốt. Thật không may, khi chúng ta càng căng thẳng và mệt mỏi, hoặc nếu chúng ta trải qua thời gian dài đau đớn về thể chất hoặc cảm xúc, hệ thống giao cảm vẫn được kích hoạt.
Vỏ não trước trán lúc này đã trở nên quá tải, giống như một máy tính có quá nhiều chương trình chạy cùng một lúc. Nó làm giảm sự hiệu quả của hệ thống đối giao cảm, thứ kiềm chế cảm xúc của bạn.
Do đó, mệt mỏi hơn sẽ làm hạ ngưỡng khóc của chúng ta, bao gồm cả các cầu thủ nam tính và khiến họ rơi lệ.
Các cầu thủ Việt Nam khóc trong trận đấu để thua đội tuyển bóng đá Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Nói tóm lại, nước mắt và phản ứng khóc là một phần tự nhiên trong hoạt động của con người. Nước mắt phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ một phản xạ giúp làm ẩm mắt cho tới một tín hiệu cảm xúc để khơi gợi sự đồng cảm.
Là những con người, không có lý do nào ngăn cản các cầu thủ bóng đá nam tính phải ngừng rơi lệ, đặc biệt là khi các trận bóng dài đã bào mòn khả năng kiềm chế cảm xúc của họ.
Trên thực tế, những người không khóc đôi khi mới bị coi là có vấn đề. Các nhà khoa học phát hiện những người ít khóc cũng là những người giao tiếp xã hội kém hơn. Họ cũng thường hung hăng và dễ tức giận hơn những người đàn ông mau nước mắt.
Vì vậy, không có gì phải xấu hổ khi bạn là một cầu thủ bóng đá nam tính và bạn khóc. Điều này cũng chẳng nghịch lý một chút nào, trừ khi bạn đang sống trong một nền văn hóa đầy định kiến, gắn nước mắt với sự yếu đuối và chỉ có phụ nữ mới được phép khóc.