Ngày 8/9 tại Hà Nội, cuộc thi Khởi nghiệp cùng Israel 2014 đã chính thức khởi động, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ Việt Nam khởi nghiệp và tạo cơ hội kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp từ “quốc gia khởi nghiệp” Israel.
Lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam, cuộc thi do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA).
Đối tượng của cuộc thi là các công ty khoa học công nghệ khởi nghiệp tại Việt Nam hoạt động trong bốn lĩnh vực bao gồm web, di động, nông nghiệp, và khoa học đời sống. Giải thưởng dành cho đại diện của bốn đội chiến thắng trong từng lĩnh vực là chuyến đi thực hành về khởi nghiệp tại Israel vào tháng 12/2014.
Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: "Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ là một giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đến năm 2015 của Việt Nam".
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc cuộc thi. (Ảnh: Đại sứ quán Israel).
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia bao gồm Israel, việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ là rất quan trọng trên con đường đi đến thành công đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là đội ngũ tiên phong trong việc biến các kết quả nghiên cứu thành hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Theo Đại sứ Nhà nước Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar, ý tưởng tổ chức cuộc thi này xuất phát từ mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel với các công ty Việt Nam.
Bà Shahar cho hay, đặc trưng của hệ sinh thái khởi nghiệp Israel là đầu tư lớn vào nghiên cứu phát triển. Từ một quốc gia gặp nhiều bất lợi về diện tích, dân số, thiếu nước và khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, Israel đã biến những khó khăn thành lợi thế khi tập trung mạnh vào nghiên cứu phát triển, với tổng mức đầu tư chiếm 4,3% GDP vào năm 2013 dành cho lĩnh vực này, trong đó 80% là chi cho nghiên cứu phát triển kinh doanh.
Đại sứ Israel cho biết thêm, với những kinh nghiệp thực tiễn được tích lũy của mình, Israel sẽ lựa chọn những mô hình khởi nghiệp phù hợp nhất với các doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời mong muốn tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp trẻ Việt Nam và xây dựng cầu nối giữa họ với các doanh nghiệp Israel thông qua cuộc thi này.
Các ứng viên tham dự trong độ tuổi từ 20 đến 40, bảo đảm không có tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm dự thi. Hồ sơ bao gồm các thông tin về công ty và chiến lược kinh doanh chi tiết và một đoạn video có độ dài không quá 2-3 phút (bằng tiếng Anh) để giới thiệu về mình và thuyết phục ban giám khảo, bao gồm các chuyên gia đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như đại diện của BSA và Đại sứ quán Israel.
Các tiêu chí hàng đầu của cuộc thi là tính đổi mới, hiệu quả làm việc nhóm, tính thương mại và tính sáng tạo. Sau vòng loại hồ sơ, tám đội xuất sắc nhất sẽ lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng vào tháng 11 và công bố bốn đội chiến thắng.