Sự phụ thuộc thái quá vào thuốc Tamiflu trong cuộc chiến chống cúm gà có thể sẽ gây hậu quả khó lường, các nhà khoa học Italy cảnh báo.
Thuốc Tamiflu (Ảnh: News.Yahoo) |
Tamiflu và Relenza thực chất chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng cúm và rút ngắn thời gian phát bệnh. Chúng không phải là cách chữa triệt để. Tuy nhiên, người ta vẫn tin rằng hai dược phẩm này đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi đại dịch khi virus H5N1 đột biến thành chủng dễ lây từ người sang người. Bằng cách dùng chúng ngay tại nơi xuất hiện virus mới, người ta tin rằng có thể ngăn chặn hoặc ít ra cũng làm chậm tốc độ lây lan của virus. Với niềm tin này, chính phủ các nước chạy đua tích trữ chúng, đặc biệt là Tamiflu.
Tuy nhiên, tổ chức Vaccines Cochrane (Italy) cảnh báo không nên tin tưởng thái quá vào biện pháp dự phòng này. Thuốc chỉ có ích khi được áp dụng song song với các biện pháp ngăn ngừa đơn giản như cách ly bệnh nhân, khuyến khích cộng đồng đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Nhóm tác giả, dẫn đầu là tiến sĩ Tom Jefferson, đã phân tích tổng hợp một loạt nghiên cứu trước đây về Tamiflu và Relenza, cùng với hai sản phẩm cũ là amantadine và rimantidine, mục tiêu là đánh giá tính hiệu quả và sự an toàn.
Kết quả cho thấy, Tamiflu và Relenza quả thực làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian phát bệnh nếu được dùng trong vòng 48 giờ sau khi nhiễm virus. Chúng còn giúp ngăn ngừa viêm phổi và viêm cuống họng - các biến chứng của cúm.
Tuy nhiên, không thuốc nào đạt hiệu quả ở những người không có triệu chứng, mặc dù mang virus. Ngoài ra, Tamiflu không làm dứt triệt để triệu chứng sổ mũi. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, khi bị chảy nước mũi và hắt hơi, bệnh nhân H5N1 tiết ra một lượng virus nhiều gấp 10 lần so với bệnh nhân cúm thường, do đó nguy cơ truyền bệnh cao hơn.
Nhóm Jefferson cũng tìm hiểu tác dụng của Tamiflu với 3 chủng cúm gà là H5N1, H7N7 và H7N3. Kết quả là Tamiflu không làm giảm tỷ lệ tử vong của virus H5N1. Một nguy cơ tiềm ẩn khác là sức kháng Tamiflu tương đối cao (16%) trong các ca bệnh ở Nhật Bản và Việt Nam.
Trong khi đó, vùng tây Á trở thành điểm thu hút mới về dịch bệnh. Iran và WHO đang điều tra xem có phải cúm gà đã giết chết một bé gái 15 tuổi. Iran là một điểm dừng chân của chim di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ sang. Giới chuyên gia cảnh báo sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh ở đây do nước này thiếu thốn mọi thứ. Còn tại nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 21 người đã nhiễm H5N1. Trung Quốc cũng vừa thông báo ca tử vong vì cúm gà thứ 6.
Mỹ Linh (theo AFP)