Bạn sẽ sốc khi biết tỷ lệ khiến khủng long bị hủy diệt thấp như thế nào.
Chắc các bạn đã biết, hàng triệu năm trước Trái đất bị thống trị bởi những con quái vật bò sát khổng lồ mang tên "khủng long". Và dù vẫn còn gây tranh cãi, nhưng bạn có lẽ cũng chẳng lạ gì số phận bi thảm của chúng: bị quét sạch vì một thiên thạch khổng lồ va chạm với hành tinh của chúng ta.
Sự hủy diệt của khủng long cũng là lý do giúp các loài động vật có vú khác phát triển thịnh vượng hơn, và dần dần kéo theo sự xuất hiện của con người chúng ta ngày nay.
Nếu rơi ở vị trí khác, có lẽ khủng long vẫn còn tồn tại.
Tuy nhiên, theo một tính toán mới đây thì thực sự khủng long đúng là những sinh vật đen đủi bậc nhất Trái đất này. Vì sao ư? Vì chỉ cần thiên thạch rơi ở một vị trí khác, thảm cảnh ấy đã không xảy ra. Khủng long sẽ tồn tại, và biết đâu giờ này chúng ta có món "sườn khủng long nướng" trong các nhà hàng rồi ấy chứ.
Nhưng nghiên cứu từ ĐH Tohoku (Nhật Bản) mới đây đã công bố con số cụ thể về khả năng thiên thạch khổng lồ Chicxulub gây ra thảm họa diệt chủng cho khủng long. Con số chỉ là... 13% - không thấp, nhưng không quá cao nếu so với hậu quả kinh khủng nó mang lại.
Được biết, vụ va chạm đã nung chảy đất đá, đẩy hàng triệu triệu tấn bụi lên bầu khí quyển, tạo thành một lớp bụi dày đặc. Lớp bụi chặn ánh Mặt trời, khiến nhiệt độ giảm đi và biến Trái đất thành một địa ngục đối với khủng long.
Nhưng vấn đề là mọi chuyện chỉ xảy ra nếu thiên thạch rơi trúng vùng đất giàu hydrocarbon, và những địa điểm đủ điều kiện chỉ chiếm 13% diện tích bề mặt Trái đất. Điều này cũng có nghĩa rằng, viên thiên thạch đã rơi quá "đúng chỗ", vì chỉ cần lệch đi thôi, khủng long có thể đã không tuyệt diệt.
Để có được kết quả này, các chuyên gia đã lập ra mô hình tính toán lượng bụi có trong khí quyển sau khi Chicxulub va chạm, đồng thời tính đến con số cần thiết để gây ra biến đổi khí hậu ở mức độ tiêu cực như vậy.
Nếu thiên thạch rơi vào những khu vực ít hydrocarbon, độ hủy diệt sẽ giảm đi rất nhiều.
Kết quả, họ nhận ra nếu thiên thạch rơi vào những khu vực ít hydrocarbon, độ hủy diệt sẽ giảm đi rất nhiều.
"Lượng đá có chứa hydrocarbon và lưu huỳnh khác biệt theo từng địa điểm. Điều này cho thấy mọi sự kiện xảy ra chủ yếu là do địa điểm va chạm, không phải vì thiên thạch quá lớn" - các chuyên gia chia sẻ.
"Tỉ lệ đất đá đạt điều kiện gây thảm họa chỉ chiếm 13% diện tích bề mặt Trái đất".
"Vậy nên có thể nói, vùng đất thiên thạch va chạm đã thay đổi lịch sử của cả Trái đất này" - các chuyên gia kết luận.