Trong các bộ phim, chúng tung hoành trên không trung với tốc độ khủng khiếp. Nhưng trên thực tế, lũ khủng long bay hầu như không thể thoát khỏi mặt đất vì quá nặng.
Sau khi phân tích kiểu bay của 28 loài chim, các nhà khoa học của Đại học Tokyo (Nhật Bản) khẳng định rằng thằn lằn ngón cánh, nặng tới 250 kg và được coi là loài động vật biết bay lớn nhất từng xuất hiện trên Trái đất, không thể đập cánh đủ nhanh để bay lên không trung. Chúng chỉ đủ sức lượn một quãng ngắn từ các vách đá xuống đất.
Nhưng các chuyên gia về hóa thạch lại nói những bộ xương của thằn lằn ngón cánh tiến hóa theo hướng giúp chúng bay lên.
Thằn lằn ngón cánh xuất hiện trên hành tinh khoảng 251 triệu năm trước và vẫn tiếp tục sống sót sau khi khủng long bị tuyệt chủng bởi một thảm họa cách đây 65 triệu năm.
Về mặt sinh học, chúng không phải khủng long, mà là những động vật bò sát có cánh thời tiền sử.
Thằn lằn ngón cánh trong một bộ phim. Ảnh: makingmovies.tv. |
Giáo sư Katsufumi Sato của Đại học Tokyo và các cộng sự nghiên cứu nhiều loài chim ở quần đảo Crozet (nằm giữa Madagascar và Nam Cực). Bằng cách gắn các thiết bị đo gia tốc vào cánh của 28 loài rồi theo dõi hoạt động bay của chúng, ông kết luận rằng những con vật có trọng lượng lớn hơn 40 kg không thể đủ sức đập cánh nhanh để duy trì trạng thái lơ lửng trên không. Điều đó giải thích tại sao hải âu lớn, một trong những loài chim to nhất thế giới, chỉ có trọng lượng tối đa 22 kg.
"Tốc độ vỗ cánh tối đa của một con chim bị giới hạn bởi sức mạnh cơ bắp. Sải cánh của những loài chim lớn thường dài. Nhưng sải cánh càng dài thì tốc độ vỗ cánh càng giảm. Do đó, một con chim có trọng lượng 40 kg trở lên không thể bay một cách an toàn trong điều kiện thời tiết xấu", Sato phát biểu.
Nhưng một số chuyên gia không đồng ý với kết luận của Sato. Tiến sĩ Mike Habib của Đại học Y khoa John Hopkins, bang Maryland (Mỹ), phát biểu: "Ngưỡng 40 kg của Sato có vấn đề. Ông ấy chưa tính tới những khác biệt về mặt giải phẫu, sinh lý và môi trường giữa thằn lằn bay và chim".