"Khuôn mặt cười" có thể giải mã bí ẩn lớn của sao Hỏa

Tàu thăm dò sao Hỏa của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu chụp được hình ảnh thú vị trên sao Hỏa, với một hình tròn tựa khuôn mặt đang nhoẻn miệng cười.

Gần đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện một "khuôn mặt cười" kỳ lạ tỏa sáng từ bề mặt sao Hỏa khi họ khảo sát cảnh quan của hành tinh đỏ trong một nghiên cứu mới.

Chia sẻ hình ảnh "khuôn mặt cười" trên trang Instagram, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết, hình dạng thú vị này được tạo thành từ một dải muối clorua cổ đại, xuất phát từ miệng hố thiên thạch.


Hình ảnh từ camera hồng ngoại cho thấy, một mỏ muối clorua trên bề mặt sao Hỏa có hình dạng tựa như khuôn mặt cười đang hướng về phía tàu vũ trụ (Ảnh: ESA/TGO/CaSSIS).

Thông thường, các trầm tích này không thể phân biệt với phần còn lại của bề mặt sao Hỏa. Tuy nhiên, nhờ tàu thăm dò ExoMars Orbiter của ESA được trang bị camera hồng ngoại, các mỏ muối đã hiện ra dưới dạng hình ảnh với màu hồng hoặc tím.

Nhờ hình ảnh từ tàu ExoMars Orbiter, các nhà nghiên cứu đã tạo ra danh mục đầu tiên về các mỏ muối clorua trên sao Hỏa, với tổng cộng 965 mỏ khác nhau nằm rải rác trên khắp hành tinh này. Trung bình, mỗi mỏ có kích thước từ 300 đến 3.000 mét.

ExoMars Orbiter cũng đã thực hiện phân tích nồng độ khí mê tan và các loại khí khác trong bầu khí quyển mỏng manh của sao Hỏa kể từ năm 2016.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc tìm thấy những mỏ muối trên sao Hỏa là đặc biệt quan trọng, vì chúng có thể cung cấp các điều kiện tối ưu cho hoạt động sinh học và bảo tồn, cũng như tạo mục tiêu cho hoạt động khám phá sinh học vũ trụ.

Sao Hỏa từng là một thế giới nước với các hồ, sông và một đại dương nông tương tự như trên Trái đất. Nhưng vào khoảng giữa 2 tỷ và 3 tỷ năm trước, nước trên sao Hỏa đã cạn kiệt do biến đổi khí hậu nghiêm trọng.

Nguyên nhân của biến đổi này vẫn đang được làm rõ. Một số giả thuyết cho rằng, hiện tượng này xảy ra do sao Hỏa mất từ trường, khiến gió Mặt trời "thổi bay" hầu hết bầu khí quyển của hành tinh.

Điều này dẫn tới hầu hết nước lỏng đóng băng hoặc bốc hơi vào không gian, biến sao Hỏa thành một hành tinh khô cằn như ngày nay.

Tuy nhiên, các trầm tích muối để lại sau khi nguồn nước cuối cùng biến mất sẽ giải mã quá khứ và lịch sử phát triển của hành tinh này. Chúng thậm chí có thể có ý nghĩa lớn đối với việc tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ đại trên sao Hỏa.

Cập nhật: 14/09/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video