Các kỹ sư Mỹ đã chế tạo thành công kính hiển vi quang học mới, có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ "khó nuốt" như phân biệt và khoanh vùng các tế bào hiếm hoi trong một rừng đủ loại tế bào để phát hiện nguy cơ ung thư.
Thông thường, chỉ có vài chục tế bào xấu trong số cả tỉ tế bào khỏe mạnh, nhưng nhóm thiểu số này lại là điềm báo trước của tình trạng di căn, sự lan rộng tế bào ung thư gây nên khoảng 90% ca tử vong do ung thư.
Không may là việc tìm ra các tế bào trên là điều vô cùng khó khăn. Hiện các kính hiển vi được trang bị máy ảnh kỹ thuật số là "tiêu chuẩn vàng" trong lĩnh vực phân tích tế bào, nhưng chúng bị các chuyên gia “chê” là không đủ nhanh để phát hiện tế bào tiềm năng gây ung thư.
“Để bắt được những tế bào đó, máy quay phải có khả năng chụp và xử lý hàng triệu hình ảnh liên tục với tốc độ khung hình cao”, theo Bahram Jalali của Đại học California tại Los Angeles (UCLA).
Để vượt qua những giới hạn trên, các chuyên gia của UCLA đã phát minh một hệ thống kính hiển vi quang học có khả năng phát hiện được tế bào hiếm với độ nhạy ấn tượng, lọc được một tế bào xấu trong số 1 triệu tế bào.
Hệ thống này, được đặt tên là máy phân tích dòng hơi nước, chứa một thiết bị kênh dẫn vi lưu, một máy camera và bộ xử lý hình ảnh.
Công nghệ quét tế bào mới có thể xử lý được 100.000 tế bào/giây, nhanh gấp 100 lần so với các máy phân tích hình ảnh hiện nay, theo báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.