Một phần lãnh thổ của nước Mỹ đã bị xóa sổ khỏi bản đồ do sức mạnh khủng khiếp của cơn bão Walaka.
Hòn Đảo Đông (East Island) thuộc quần đảo thiên đường Hawaii của Mỹ đã biến mất hoàn toàn sau khi siêu bão Walaka quét qua đây hồi đầu tháng.
Theo tờ Guardian (Anh), Đảo Đông, vốn là một mũi đất bao phủ bởi cát sỏi, nằm trên một rặng san hô, đã biến mất do bị bão Walaka mang theo mưa và gió lớn xối sạch.
Các nhà khoa học cũng đã xác nhận sự biến mất của hòn đảo này sau khi so sánh các hình ảnh vệ tinh chụp rặng san hô French Frigate bao quanh. Đây vốn là một phần của khu bảo tồn hải dương lớn ở phía tây bắc quần đảo Hawaii.
Đảo Đông thuộc Hawaii từng đóng vai trò quan trọng đối với các sinh vật hoang dã. (Ảnh: Fish & Wildlife Service).
"Tôi đã thốt lên một câu chửi thề vào khoảnh khắc đó, không thể tin được là nó đã biến mất", Chip Fletcher, giáo sư khoa học Trái đất tại Đại học Hawaii phát biểu.
Ông Fletcher và các đồng nghiệp đang tiến hành nghiên cứu Đảo Đông qua các video do máy bay không người lái ghi lại. Họ lấy mẫu cát và san hô để xem xét tuổi của hòn đảo cũng như đánh giá những viễn cảnh tương lai của đảo khi phải đối mặt với biến đổi khí hậu".
"Hòn đảo có thể đã trải qua 1-2 ngàn năm tuổi, và chúng tôi đã ở đó hồi tháng 7, vì thế thật xui xẻo khi nó biến mất vào lúc này", giáo sư Fletcher nói.
Đảo Đông trước khi bão Walaka quét qua.
"Chúng tôi muốn theo dõi hòn đảo, vì thế tôi thất vọng khi nó biến mất, nhưng mặt khác, chúng tôi cũng biết được rằng, những hòn đảo như thế này đối mặt với rủi ro hơn nhiều so với chúng tôi đánh giá. Tôi từng nghĩ hòn đảo sẽ tồn tại khoảng 1-2 thập kỷ nữa, nhưng nó mong manh hơn nhiều so với dự đoán của tôi. Cả phần bề mặt, phần giữa và đáy của đảo đều đã biến mất".
Đảo Đông từng dài khoảng 800 mét và rộng chừng 120 mét, là hòn đảo lớn thứ hai trong Rặng san hô French Frigate, nằm ở cực tây của quần đảo Hawaii. Cho đến năm 1952, trên đảo vẫn còn đặt một trạm radar của Lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Mặc dù có diện tích nhỏ, hòn đảo đóng một vai trò quan trọng đối với các loài sinh vật tự nhiên, trong đó có loài hải cẩu "thầy tu" Hawaii đang bị đe dọa tuyệt chủng khi chỉ còn 1.400 cá thể, trong đó nhiều con đang nuôi con nhỏ ở khu vực Đảo Đông. Nơi đây còn là vùng sinh sống của loài rùa biển xanh cũng đang nằm trong "sách đỏ", và các loài chim biển như hải âu lớn.
"Tổn thất này là một cú đòn mạnh", ông Fletcher nhận xét, "Điều chúng ta ít ngờ là nó có thể biến mất nhanh đến vậy".
Sự biến mất quá nhanh của Đảo Đông, Hawaii là một bằng chứng nữa của tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong điều kiện bình thường, một hòn đảo san hô vòng thường ít có nguy cơ bị rửa trôi bởi một cơn bão mạnh. Nhưng tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến cho đại dương và khí quyển trở nên ấm hơn, khiến các cơn bão cũng dữ dội hơn, trong khi có bằng chứng cho thấy các cơn bão đang di chuyển xa hơn về phía bắc, nhằm vào vĩ độ nơi Đảo Đông từng tồn tại.
"Đó là một thông điệp cho thấy biến đổi khí hậu là thực và nó đang diễn ra ngay lúc này", ông Randy Kosaki, quan chức phụ trách khu vực Hawaii thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, phát biểu.
Rặng san hô French Frigate nằm trong khu vực bảo tồn đại dương quốc gia Papahānaumokuākea của Mỹ. Nơi đây đã trở thành khu bảo tồn đại dương lớn nhất thế giới sau khi được mở rộng dưới thời Tổng thống Obama vào năm 2016. Một dải rộng 1.350 dặm gồm các đảo san hô, rặng san hô là môi trường của nhiều sự sống, bao gồm san hô, cá, chim và động vật có vú, nhiều loài trong đó chỉ có độc nhất ở Hawaii.