Ngày 11/5, kính thiên văn không gian lớn nhất thế giới James Webb (JWST) đã mở mặt gương vàng lần cuối trên Trái đất.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết mặt gương 6,5m của JWST đã được mở rộng hoàn toàn và cố định vào vị trí. Đây là thử nghiệm sau cùng để xem liệu kính này có thể tồn tại trong hành trình dự kiến dài 1,6 triệu km và sẵn sàng khám phá nguồn gốc vũ trụ. Gương của JWST được làm từ 18 tấm gương nhỏ hình lục giác có phủ một lớp vàng siêu mỏng để cải thiện khả năng phản xạ ánh sáng hồng ngoại.
Kính thiên văn không gian lớn nhất thế giới James Webb. (Ảnh: NASA).
Trong quá trình bay vào không gian, tấm gương này ở trạng thái gập lại giống như một tác phẩm gấp giấy origami của Nhật Bản. Để tạo thành một tấm gương khổng lồ trong không gian, sau khi được đưa vào vũ trụ 18 gương nhỏ sẽ được 132 bộ truyền động và động cơ riêng lẻ khớp nối vào vị trí. Các gương này sau đó sẽ hoạt động như một tấm phản xạ khổng lồ, cho phép kính thiên văn quan sát vũ trụ sâu hơn bao giờ hết.
Các nhà khoa học muốn sử dụng chiếc kính thiên văn này để "nhìn lại" lịch sử 13,5 tỷ năm vũ trụ, lần đầu quan sát các ngôi sao, các hệ thiên hà đầu tiên được lập, vài trăm triệu năm vụ nổ Big Bang. Một khía cạnh khám phá khác là tìm kiếm cả sự sống ngoài không gian.
Theo kế hoạch, kính JWST sẽ được vận chuyển đến Guiana thuộc Pháp và sẽ được tên lửa đẩy Ariane 5 đưa vào không gian vào ngày 31/10 tới.