Tại hội nghị mới đây của tổ chức phi lợi nhuận Các ý tưởng đáng được truyền bá (TED) tại Long Beach, California (Mỹ), bác sĩ phẫu thuật Anthony Atala đã sử dụng một cỗ máy đặc biệt để chế tạo thành công một quả thận người ba chiều trước sự chứng kiến của đám đông khán giả.
Bác sĩ phẫu thuật Anthony Atala
Trang Discovery đưa tin, Anthony Atala - một bác sĩ phẫu thuật thuộc Viện Y học tái sinh Wake Forest đã "in" ra một quả thận người thật nhờ một cỗ máy đặc biệt, giúp việc cấy ghép nội tạng không cần người tình nguyện hiến tặng các cơ quan này nữa.
"Nó giống như việc nhào trộn một chiếc bánh", ông Atala tuyên bố trong lúc biểu diễn quá trình chế tạo một quả thận mới ngay trên sân khấu hội nghị TED ở thành phố Long Beach.
Trước hết, bác sĩ dùng các máy quét để thu nhận hình ảnh 3D của một quả thận cần được thay thế. Bước tiếp theo, ông sử dụng một mẫu mô có kích thước bằng nửa con tem thư để gieo mầm cho quá trình được vi tính hóa. Sau đó, "máy in" nội tạng hoạt động tuần tự hết lớp này đến lớp khác để cho ra một quả thận cấy ghép tái tạo mẫu mô của bệnh nhân.
"Máy in" thận
Chàng sinh viên Luke Massella nằm trong số những người đầu tiên được nhận một quả thận "in ấn" trong cuộc nghiên cứu thử nghiệm cách đây một thập kỷ, khi anh mới 10 tuổi. Massella kể, anh sinh ra với dị tật chẻ đôi cột sống (spina bifida) và hai quả thận không hoạt động.
"Hiện tại, tôi đang theo học đại học và về cơ bản đang cố gắng sống bình thường như những người khác. Cuộc phẫu thuật cấy ghép (thận "in ấn") đã cứu sống tôi và giúp tôi được như ngày hôm nay", Massella cho biết.
Theo bác sĩ Atala, khoảng 90% bệnh nhân đang chờ phẫu thuật cấy ghép thực sự rất cần thận và nhu cầu này vượt quá khả năng cung cấp của những người hiến tặng nội tạng. "Hiện đang có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về vấn đề chăm sóc y tế xét về việc thiếu nội tạng. Y học đã làm rất tốt nhiệm vụ kéo dài tuổi thọ cho chúng ta và khi chúng ta già đi, các cơ quan nội tạng của chúng ta cũng không chống chịu được nữa", ông Atala nhấn mạnh.
Cỗ máy "in" thận đặc biệt do ông Atala sáng chế đang được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết sự khan hiếm thận cần để cấy ghép cứu sống các bệnh nhân.