Lạ lùng tuyết chuyển màu dưa hấu và ngọt như đường khi vào hè

Vào mùa hè, một số vùng băng tuyết phủ một màu đỏ từ nhạt đến sậm, tạo nên cảnh tượng lạ mắt được gọi là "tuyết dưa hấu".

"Tuyết dưa hấu" do một loại tảo có chứa một loại sắc tố màu đỏ gây ra. Phổ biến hơn cả là tảo Chlamydomonas nivalis - loại tảo lục chứa chất carotenoid, một chất có màu đỏ như cà rốt.


Tuyết chuyển hồng trên dãy núi Alps năm 2021 - (Ảnh: NEW YORK TIMES)

Điểm đặc biệt của Chlamydomonas nivalis so với những loài tảo nước ngọt khác nằm ở "sở thích" những môi trường giá lạnh. Tảo Chlamydomonas nivalis ưa phát triển trong băng tuyết.

Các thành tế bào của tảo rất dày, đóng vai trò như một "lá chắn" nhiệt. Nhờ vậy, tảo vẫn có thể sống ở môi trường âm 40 độ.

Tuy nhiên, thời tiết quá lạnh cũng sẽ ức chế tảo hoạt động mạnh. Nói cách khác, tảo như đi… "ngủ đông".

Mùa sinh sôi lớn nhất của tảo Chlamydomonas nivalis là vào dịp hè, khi khí trời bớt khắc nghiệt hơn. Đồng thời vào mùa hè, các lớp băng, tuyết tan dần cũng tạo điều kiện để màu đỏ của tảo hiện ra rõ ràng hơn.

Màu đỏ càng đậm chứng tỏ tảo sinh sôi càng mạnh. Ở một số vùng, băng tuyết bị Chlamydomonas nivalis làm chuyển màu giống như in vết máu.


Tuyết dưa hấu ở Nam Cực vào tháng 4 - (Ảnh: ATLAS OBSCURA)

Nơi bắt gặp "tuyết dưa hấu" phổ biến nhất trên Trái đất là Nam Cực. Bắt đầu vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 hằng năm, bề mặt nhiều lớp băng tuyết ở Nam Cực lại chuyển sang màu đỏ một cách thú vị.

Kế đó là những vùng núi cao hay những khu vực cận Bắc Cực - nơi vẫn còn băng tuyết trong mùa hè.

Mỗi dịp hè, một số nơi trên các dãy núi Alps ở châu Âu, Himalaya ở châu Á hay Andes ở Nam Mỹ cũng thường chuyển sang màu đỏ. Những năm gần đây, nhiều người thường chờ đợi hiện tượng lý thú này để đến săn ảnh.

Dịch tế bào của loài Chlamydomonas nivalis thường chứa nhiều đường và dầu, do đó nếu vô tình "nếm" thử "tuyết dưa hấu", bạn sẽ cảm thấy khá ngọt.


"Tuyết dưa hấu" trên dãy núi Alps - (Ảnh: CNBC)

Theo tạp chí khoa học Science, loài tảo gây hiện tượng "tuyết dưa hấu" gần như không gây hại đến hệ động thực vật, bởi chúng thường phát triển ở những khu vực lạnh giá, ít sinh vật.

Tuy nhiên, sự lan rộng của tảo Chlamydomonas nivalis là một biểu hiện cho thấy ở những khu vực tuyết phủ quanh năm, băng đã tan nhiều hơn vào mùa hè. Điều này cũng đồng nghĩa nhiệt độ của Trái đất vào các tháng mùa hè đã gia tăng đáng kể.

Điển hình tại 2 vùng cực bắc và nam, sự gia tăng nhiệt độ hiện ở mức cao nhất toàn cầu. Ước tính tốc độ gia tăng gấp 3 lần trung bình của toàn cầu.

Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi các lớp băng bị tảo phủ đỏ, các lớp băng bên dưới sẽ giảm khả năng phản chiếu ánh sáng mặt trời, từ đó băng lại tăng nhanh hơn.

Cập nhật: 17/05/2022 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video