Cuộc gặp gỡ, làm việc giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và các nhà khoa học Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua được nhiều người xem là “Hội nghị Diên Hồng” của KH-CN Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta phải làm gì để hiện thực hóa tinh thần đó?
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Hoàng Văn Phong |
Bộ trưởng nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta mới chỉ phát huy được 20% đến 25% khả năng của đội ngũ cán bộ KH-CN Việt Nam?
Tôi đồng ý là cơ chế hiện này còn bó buộc, bất cập và không huy động được các nhà khoa học làm hết sức của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các nhà khoa học đều làm việc với 20% đến 25% sức lực, khả năng của mình. Nếu như thế thì những thành tựu KH-CN của Việt Nam đã có từ đâu ra?
Một điều đáng buồn là nhiều nhà khoa học cứ đổ lỗi về cơ chế cho Nhà nước, mà không chịu “xông vào” cùng Nhà nước nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn đó. Họ kêu ca, phàn nàn khắp nơi, nhưng không “xắn tay” để làm việc gì thiết thực cho nền KH-CN nước nhà.
Tại sao họ biết là cơ chế khó khăn, chỉ phát huy được 20% đến 25% khả năng, mà lại không phấn đấu để làm nhiều hơn? Bởi cơ chế chính sách không thể quyết định được ý thức của mỗi nhà khoa học… Phát huy được bao nhiêu phần trăm, điều quyết định là ở bản lĩnh, ý thức của các nhà khoa học đối với công việc của mình.
Trong hoạt động KH-CN Việt Nam hiện nay còn khá nhiều “vấn nạn” như chạy đề tài, dự án và dùng kinh phí nghiên cứu khoa học để bổ sung thu nhập khiến chất lượng nghiên cứu thấp hoặc triển khai chậm. Thậm chí, đề tài không thể nghiệm thu được hoặc có nghiệm thu thì chỉ mang tính hình thức, không có chất lượng. Theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp căn cơ, toàn diện cho vấn đề này?
Đó chính là hiện tượng “chợ đen” và “đầu cơ” trong hoạt động KH-CN hiện nay. Ở góc độ nào đó, theo tôi do mức lương của những nhà khoa học chưa đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình, nên họ mới phải làm vậy. Chúng ta cũng cần thông cảm với họ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ủng hộ họ làm trò “chợ đen” trong nghiên cứu KH-CN. Với một nhà khoa học chân chính và có bản lĩnh họ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hy sinh quyền lợi của mình để đạt được những kết quả tốt, mà không cần đến những cơ chế hay sự đãi ngộ nào.
Chúng ta không thể giải quyết một cách triệt để được vấn nạn này, bởi ngay những nước tiên tiến cũng có nạn “đầu cơ” KH-CN. Nhưng, khi có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn, đặc biệt là chính sách lương bổng, đãi ngộ các nhà khoa học và sự đổi mới về cơ chế giao, nghiệm thu, đánh giá đề tài KH-CN thì tôi tin tình trạng này sẽ được đẩy lùi.
Một vấn đề luôn được quan tâm: làm gì để có thể sớm đưa những tiến bộ KH-CN vào đời sống xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh?
Liên Xô (cũ) là một tấm gương lớn để chúng ta nhìn nhận về vấn đề này. Tiềm lực KH-CN lớn mạnh, nhưng 80% các công trình nghiên cứu của Liên Xô trước đây đều nằm trong “ngăn kéo”. Và, các nước phương Tây đã mua lại bản quyền những công trình đó để tạo ra sản phẩm, công nghệ mới bán lại cho Liên Xô. Cơ chế bao cấp, kế hoạch tập trung quan liêu đã tạo ra điều đó. Với Việt Nam hiện nay, để các công trình KH-CN sớm được áp dụng, triển khai theo tôi cần giải quyết triệt để những vấn đề sau:
- Trước hết cần phải thừa nhận các công trình KH-CN cũng là hàng hóa và các nhà khoa học là tác giả của chúng, có quyền bán hàng hóa đó, nếu không vi phạm pháp luật.
- Thứ hai, các nhà khoa học cần đổi mới tư duy làm việc, gắn mình hơn với đời sống xã hội để hiểu rõ nhu cầu của cuộc sống, từ đó định hướng nghiên cứu của mình, trừ những chương trình khoa học cơ bản được Nhà nước định hướng. Thứ ba, các doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của KH-CN trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khi việc gia nhập WTO đang đến gần.
Nói như vậy, việc hình thành và phát triển của thị trường KH-CN ở Việt Nam sẽ có tính chất quyết định cho KH-CN Việt Nam phát triển?
Vừa rồi, Chính phủ đã phê duyệt một loạt đề án, ban hành các Nghị định liên quan đến KH-CN. Tất cả đều có vai trò quan trọng và mang tính định hướng cho KH-CN Việt Nam trong thời gian tới. Đề án về phát triển thị trường KH-CN Việt Nam là một trong số đó. Giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp cần có một thị trường rõ ràng, cần những nhà môi giới về KH-CN để đưa bên cung và bên cầu ở lĩnh vực này xích lại gần, hiểu rõ vị trí, vai trò của nhau… Có như vậy, KH-CN Việt Nam mới có thể sớm trở thành “hàng hóa” và đi vào sản xuất kinh doanh được.
Tôi muốn nhấn mạnh đến Nghị định 115 vừa được ban hành đầu tháng 9 vừa rồi, quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH-CN công lập. Với nghị định này, tôi tin KH-CN Việt Nam đã được “cởi trói” về cơ chế và sớm phát huy hết được những tiềm lực vốn có. Tất cả điều đó đồng nghĩa với việc các nhà khoa học sẽ có nguồn thu nhập chính đáng, đúng với công sức mình bỏ ra. Họ làm ra công nghệ mới, thị trường (bao gồm cả Nhà nước và các doanh nghiệp có nhu cầu) sẽ bỏ tiền đầu tư cho họ nghiên cứu, triển khai, hoặc mua lại với đúng mức mà thị trường đã định giá…
Theo tôi, hiện nay chính sách cơ bản đã khá thông thoáng. Vấn đề là thực hiện, vận dụng những chính sách đó ra sao? Nếu tất cả cùng đồng lòng, tôi tin KH-CN Việt Nam sẽ có những bước chuyển mới, tích cực trong thời gian tới!
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Trần Lưu