Nhờ vào kính James Webb, các nhà nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) trở thành đội ngũ đầu tiên quan sát sự hình thành của ba thiên hà cổ nhất vũ trụ cách đây hơn 13 tỉ năm.
Các nhà nghiên cứu của Viện Niels Bohr thuộc Đại học Copenhagen đã chứng kiến sự ra đời của bộ ba thiên hà đầu tiên của vũ trụ, có niên đại cách đây từ 13,3 đến 13,4 tỉ năm trước.
Mô phỏng quá trình tích tụ khí để hình thành thiên hà. (Ảnh: ĐẠI HỌC COPENHAGEN).
Thông qua kính James Webb, đội ngũ chuyên gia thấy được những tín hiệu đến từ những khối lượng lớn chất khí tích tụ và nạp vào một thiên hà mini đang trong quá trình được bồi đắp và tượng hình, theo báo cáo đăng trên chuyên san Science.
Trong khi đây là cách thức các thiên hà hình thành theo các giả thuyết và mô phỏng trên máy tính, quá trình trên chưa từng được quan sát trên thực tế cho đến mới đây.
"Chúng ta có thể nói rằng đó là những hình ảnh trực tiếp đầu tiên cho thấy sự khai sinh của các thiên hà", theo trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Kasper Elm Heintz của Viện Niels Bohr.
Các nhà nghiên cứu ước tính sự ra đời của bộ ba thiên hà trên diễn ra khoảng 400-600 triệu năm sau sự kiện Big Bang khai sinh vũ trụ, có nghĩa là trong giai đoạn khi vũ trụ khoảng 3-4% độ tuổi hiện tại.
"Trong vài trăm triệu năm đầu sau sự kiện Big Bang, những ngôi sao đầu tiên xuất hiện, trước khi sao và khí bắt đầu tích tụ thành các thiên hà. Đó là quá trình chúng tôi quan sát được", theo giáo sư Darach Watson, thành viên nhóm nghiên cứu.