Các nhà khoa học vừa phát hiện sao chổi không đuôi đầu tiên trong lịch sử thiên văn của nhân loại, cung cấp manh mối cho quá trình giải mã sự hình thành của hệ mặt trời.
Trong công bố ngày 29/4 trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học cho biết sao chổi "Manx", tên một loài mèo không đuôi, cấu thành từ loại đá thường được tìm thấy xung quanh Trái đất.
Hầu hết sao chổi là đá và các hợp chất đóng băng, thường được sinh ra trong những vùng xa xôi, lạnh lẽo của hệ mặt trời. Các nhà nghiên cứu tin rằng, Manx được sinh ra cùng vùng với Trái đất trước khi lang thang vô định trong không gian, Reuters đưa tin.
Sao chổi Manx. (Ảnh: Reuters).
Sao chổi Manx, còn có tên khác là C/2014 S3, được phát hiện năm 2014 nhờ mạng lưới kính thiên văn Pan-STARRS. Hệ thống này gồm nhiều kính thiên văn, liên tục rà soát bầu trời đêm nhằm tìm ra những sao chổi di chuyển nhanh, các tiểu hành tinh và thiên thể khác.
Hiện tại, các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm những sao chổi như Manx nhằm trả lời câu hỏi Hệ mặt trời được hình thành như thế nào cũng như quá trình tiến hóa của nó.
"Tùy thuộc vào số lượng sao chổi như Manx, chúng ta sẽ biết được quỹ đạo nhảy múa của các hành tinh khổng lồ trong hệ mặt trời khi chúng còn trẻ hoặc quá trình lớn lên thầm lặng mà không cần di chuyển nhiều", Olivier Hainaut, nhà thiên văn tại Đài quan sát Nam Âu, Đức, cho biết.
Thông thường, sao chổi được sinh ra cùng khu vực với Manx thường có đuôi rực sáng sau khi tiếp cận mặt trời, kết quả của quá trình bốc hơi do nhiệt. Manx được phát hiện khi cách mặt trời khoảng cách gấp đôi quãng đường từ trái đất tới mặt trời.
Phân tích chuyên sâu cho thấy, sao chổi Manx được cấu thành từ các vật liệu tương tự như các tiểu hành tinh đá nằm trong vành đai nằm giữa sao Mộc và sao Hỏa. Việc phát hiện Manx giúp các nhà khoa học có thêm cơ sở để tinh chỉnh mô hình máy tính được dùng để mô phỏng sự hình thành của hệ mặt trời.