Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tuyên Quang vừa phát hiện một địa điểm có dấu tích khu mộ của người thời đại kim khí trong hang động thuộc vùng núi đá vôi ở hang Nà Thắm, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang. Đây là thông tin từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát, Viện Khảo cổ học, sau đợt khảo sát, điều tra khảo cổ học tháng 3/2017 tại tỉnh Tuyên Quang.
Nà Thắm là một hang khá lớn, nằm dưới chân sơn khối đá vôi. Cửa hang thấp, hình vòm quay về hướng Tây chếch Nam, trông xuống một thung lũng rộng lớn - hiện là nơi cư trú của bà con Bản Bung với những cánh đồng trù phú. Toàn bộ khu vực này nằm trên độ cao trên 460m so với mực nước biển. Trước cửa hang có một con suối lớn chảy qua. Trần hang thấp, ít nhũ rủ. Diện tích mặt bằng hang rộng khoảng 150m2.
Dấu tích một khu mộ của người tiền sử tìm thấy chủ yếu gần khu vực cửa hang.
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, dấu tích một khu mộ của người tiền sử tìm thấy chủ yếu gần khu vực cửa hang. Tầng văn hóa xuất lộ ở độ sâu 0,30m so với bề mặt hang. Di tích có một lớp văn hóa duy nhất dày khoảng 0,40m, có độ kết cấu khá mềm, độ ẩm lớn được hình thành bởi đất á sét trong hang đá có màu xám sẫm, xen lẫn di vật khảo cổ. Đoàn đã phát hiện hàng chục di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ gốm và ít đồ đá cùng những mảnh xương, răng người. Những di vật này phát hiện được dưới lớp đá tảng lát kè phía trên.
Các mảnh gốm tìm thấy thuộc về nhiều cá thể gốm khác nhau, đó là những mảnh thân nồi, vò. Đồ gốm có kích cỡ miệng trung bình từ 25 - 30cm. Phần lớn những mảnh gốm đều có trang trí hoa văn, chủ yếu là văn thừng mịn. Đáng chú ý là có mảnh thân và mảnh miệng gốm được trang trí hoa văn hình vòng tròn nhỏ còn gọi là văn in hình "cuống rạ". Đây là loại hoa văn khá phổ biến của đồ gốm giai đoạn Gò Mun thuộc thời đại kim khí. Một số mảnh gốm khác có hoa văn khắc vạch những đường chéo song song hoặc hình răng cưa. Một số mảnh gốm mang dấu vết ám khói màu đen sẫm, dấu tích của chiếc nồi đã qua sử dụng.
Đặc biệt chú ý là đã tìm thấy chiếc răng và những đoạn xương người bên trong một mảnh miệng đồ gốm, cùng chiếc bàn mài bằng đá. Đoàn cũng phát hiện hiện tượng xương người trong nồi gốm vỡ có những hoa văn tương tự như đồ gốm trong hố đào thám sát. Một số mảnh gốm vỡ có xương kèm theo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trình Năng Chung, đây là lần đầu tiên Tuyên Quang phát hiện được khu mộ thời kim khí trong hang động. Căn cứ vào hiện trạng lớp văn hóa, hiện vật, bước đầu có thể cho rằng hang Nà Thắm là khu mộ của cư dân thời đại kim khí, có niên đại khoảng gần 3.000 năm cách nay. Cư dân cổ nơi đây chôn người chết trong hang, trong những nồi vò gốm, bên trên có lát đá phủ để đánh dấu.
Hiện các cơ quan chức năng đang có kế hoạch nghiên cứu và khai quật lớn hang này trong thời gian tới.