Một nhóm các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân khiến nhiều thiên hà đã trở thành "nghĩa địa" trong vũ trụ".
Ở giai đoạn mới hình thành, các thiên hà bắt đầu sự tồn tại của mình như là những thiên hà hình xoắn ốc đầy màu sắc sống động, đầy khí và bụi, và có quá trình chủ động hình thành những ngôi sao mới, sáng rực rỡ.
Tuy nhiên, khi các thiên hà tiếp tục phát triển, sự hình thành sao mới không còn và thiên hà biến thành như sa mạc hoang vu, lặng lẽ và tối tăm, và cứ như vậy cho đến giai đoạn cuối của "cuộc đời" thiên hà.
Cơ chế nào làm cho các thiên hà "tối" đi là một trong những bí ẩn lớn nhất chưa được giải quyết trong quá trình nghiên cứu từ trước đến nay.
Thiên hà ở bên phải chứa một lỗ đen khổng lồ ở trung tâm, đang hút vật chất từ thiên hà bên trái và gây ra gió vũ trụ với sức mạnh khủng khiếp. (Nguồn: Phys.org).
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tokyo và Đại học Oxford đã hợp tác phát hiện ra một hiện tượng đáng ngạc nhiên xảy ra trong các thiên hà, được đặt tên là "mạch nước phun màu đỏ", có thể giải thích được bí ẩn này.
Nghiên cứu này của họ vừa được công bố trên tạp chí Nature (Mỹ).
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Edmond Cheung, từ khoa Vật lý thiên văn của Đại học Tokyo, giải thích "mạch nước phun màu đỏ" này chính là việc thiên hà có một lỗ đen khổng lồ ở trung tâm, lực hút của nó tạo ra những luồng gió vũ trụ rất dữ dội giữa các vì sao.
Những cơn gió này ngăn chặn sự hình thành các vì sao mới bằng cách nung nóng lên vùng không gian bên trong trong các thiên hà, ngăn không cho những đám mây khí và bụi nguội đi để có thể ngưng tụ lại thành những ngôi sao.
Ông Cheung cho biết các ngôi sao hình thành từ khí nóng và bụi, nhưng trong nhiều thiên hà, mặc dù có nhiều đám mây khí nóng và bụi cũng không thể hình thành được sao. Chính lỗ đen là thủ phạm.