Các nhà khoa học đặc biệt thích thú với loài bướm độc đáo này. Chúng đã tận dụng triệt để những hoa văn và màu sắc trên viền cánh trông giống đầu một con rắn mang bành để tránh sự tấn công của kẻ thù.
>>> Choáng ngợp cảnh tượng hàng tỷ bướm vua di cư
Điều thú vị trong cơ chế tự vệ của bướm Atlas là ngay khi gặp nguy hiểm, chúng tự gieo mình xuống mặt đất và xòe đôi cánh lớn của mình ra. Động tác này không khác gì một con rắn mang bành đang di chuyển đầu và cổ mỗi khi chuẩn bị bắt mồi. Nhờ đó, kẻ thù của bướm Atlas nhiều lần phải bỏ cuộc vì sợ hãi.
Bướm Atlas được tìm thấy chủ yếu ở những khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Đông Nam Á. Viền cánh bướm Atlas và cách hành động của chúng giống rắn tới nỗi trong tiếng Trung Hoa, tên gọi bướm Atlas đồng nghĩa với bướm đầu rắn.
Bướm Atlas còn nổi tiếng là loài bướm có sải cánh lớn nhất thế giới. Sải cánh của một con bướm cái có thể đạt 30cm, bao phủ một diện tích 400cm2.
Kén của loài bướm Atlas bền và chắc tới nỗi tại Đài Loan, người ta đã sử dụng kén của chúng làm ra nhiều sản phẩm hữu dụng, trong đó có cả những chiếc ví.
Mặc dù sở hữu kích thước to lớn nhưng bướm Atlas lại không có miệng. Một khi đã rời khỏi kén, chúng tồn tại nhờ lượng mỡ dự trữ trong giai đoạn ấu trùng. Đó cũng có thể là lý do khiến bướm Atlas có vòng đời rất ngắn. Chúng ở trong kén khoảng 1 tháng và sau đó thoát xác thành những sinh vật xinh đẹp tuyệt vời nhưng chỉ sống được trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.