Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển thành công cơ nhân tạo khỏe gấp 200 lần các sợi cơ có kích thước tương đương với cơ của con người.
Để tạo ra loại cơ siêu mạnh này, các nhà khoa học tại ĐH Texas ở Dallas, Mỹ, đã sử dụng ống nano cac bon cực nhỏ rồi xoắn lại với nhau theo cách tương tự người ta vẫn dệt len hay bông.
Tiếp theo cho thêm paraffin và sáp nến để lấp đầy lỗ trống rồi đốt nóng trong thời gian ngắn. Khi tiếp xúc với nhiệt, sáp paraffin nở ra làm cho các ống nano phình to và co ngắn lại. Khi sáp nguội, các ống nano lại co lại và dài hơn. Như vậy, cơ nhân tạo có thể co lại và kéo dài đồng thời chỉ trong vòng 25 mili giây. Chính cơ chế co giãn nhanh như vậy khiến vật liệu có thể thực hiện nhiều chức năng cùng lúc, Ray Baughman, dẫn đầu nghiên cứu cho biết.
Cơ nhân tạo khỏe gấp 200 lần cơ tự nhiên. (Ảnh: Livescience)
Độ dài tối đa của một sợi cơ nhân tạo hiện tại là 1km. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu để làm cho chúng dài hơn nữa nhằm dệt thành áo bảo hộ đồng phục cho lính cứu hỏa. Trang phục làm từ sợi đặc biệt này có ưu điểm lớn nhất là tự động khép kín các lỗ rỗng khi gặp lửa đột ngột. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tìm cách cải tiến để chúng cũng có thể phản ứng với hóa chất.
Trong tương lai, loại vật liệu này có thể được sử dụng để làm cánh tay robot, cánh máy bay hay các thiết bị y tế. Với loại cơ này, chuyển động của robot sẽ uyển chuyển hơn nhiều hiện tại đồng thời nét mặt cũng biểu lộ tự nhiên hơn.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science số ra ngày 15/11.