Loài kiến biết "phẫu thuật" để cứu đồng loại

Các nhà nghiên cứu phát hiện kiến thợ mộc Florida có thể tiến hành phẫu thuật cắt cụt chân và làm sạch vết thương để ngăn nhiễm trùng lan rộng.

Kiến ở Florida có thể thực hiện phẫu thuật cứu sống đồng loại, theo nghiên cứu công bố hôm 2/7 trên tạp chí Current Biology. Chúng là loài vật thứ hai trên thế giới có khả năng này, sau con người. Các nhà nghiên cứu phát hiện kiến thợ mộc Florida (Camponotus floridanus) nhận biết vết thương ở chân đồng loại cùng tổ, sau đó điều trị bằng cách làm sạch hoặc cắt cụt.


Kiến thợ mộc Florida cắt cụt chân cho đồng loại bị thương. (Ảnh: Bart Zijlstra).

"Nói tới hành vi cắt cụt chi, đây là trường hợp duy nhất trong đó một cá thể thực hiện quá trình cắt cụt phức tạp và có hệ thống cho thành viên khác cùng loài trong vương quốc động vật", tác giả chính của nghiên cứu Erik Frank, nhà sinh thái học hành vi ở Đại học Würzburg, Đức, kết luận.

Năm 2023, nhóm nghiên cứu của Frank phát hiện một loài kiến châu Phi là Megaponera analis có thể điều trị vết thương nhiễm trùng cho thành viên trong tổ bằng hợp chất kháng khuẩn tiết ra từ các tuyến của chúng. Kiến thợ mộc Florida không có tuyến tương tự, vì vậy nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu loài vật này xử lý vết thương của đồng loại như thế nào.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu xem xét hai loại vết thương ở chân gồm vết rách ở đùi và ở đốt ống. Trong thí nghiệm, họ quan sát kiến thợ mộc xử lý vết thương ở đùi thông qua dùng miệng làm sạch rồi cắt cụt chân bằng cách cắn nhiều lần. Trong khi đó, chúng chỉ làm sạch vết thương ở đốt ống. Ca phẫu thuật giúp cải thiện đáng kể khả năng sống sót của bệnh nhân. Tỷ lệ sống sót đối với vết thương ở đùi tăng từ dưới 40% lên 90 - 95% sau khi tiến hành cắt cụt còn đối với vết thương ở đốt ống, tỷ lệ sống sót nâng từ 15% lên 75% sau khi làm sạch.

Các nhà khoa học cho rằng, kiến chỉ cắt cụt đối với vết thương ở đùi thay vì mọi vết thương ở chân do hạn chế về tốc độ. Những con kiến mất ít nhất 40 phút để hoàn thành ca cắt cụt. Sau khi nghiên cứu ảnh chụp cắt lớp của kiến thợ mộc, Frank và cộng sự suy đoán tổn thương ở cơ bắp bơm máu trên đùi khiến tuần hoàn máu chậm đi. Điều này sẽ khiến máu chứa vi khuẩn mất thời gian lâu hơn để truyền khắp cơ thể, cho phép kiến có đủ thời gian cắt cụt chi.

Ngược lại, đốt ống của kiến có tương đối ít mô cơ, vì vậy tình trạng nhiễm trùng có thể lan nhanh hơn. Điều này có nghĩa kiến thợ mộc mất quá nhiều thời gian cắt cụt chi để ngăn vi khuẩn có hại lan rộng, vì vậy chúng tập trung vào làm sạch vết thương. "Kiến có thể chẩn trị vết thương, xem xét chỗ đó nhiễm trùng hay vô trùng, và điều trị tùy theo tình trạng trong thời gian dài. Đây là hệ thống y tế duy nhất có thể so sánh với con người", Frank nói.

Khả năng nhận biết và điều trị vết thương của kiến mang tính bẩm sinh và các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về hành vi học hỏi. Hiện nay, họ đang mở rộng nghiên cứu sang những loài kiến khác không sở hữu tuyến kháng khuẩn đặc biệt để xem chúng có khả năng tiến hành phẫu thuật hay không.

Cập nhật: 04/07/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video