Các nhà khoa học Mỹ phát hiện protein Dsup chỉ có ở gấu nước bảo vệ tế bào của chúng trước tác động phá hủy từ bên ngoài như bức xạ.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học California, San Diego, phát hiện cơ chế hoạt động của loại protein tìm thấy ở gấu nước hay còn gọi là tardigrade giúp bảo vệ chúng trong điều kiện cực hạn, theo kết quả công bố trên tạp chí eLife.
Gấu nước được cho là sinh vật sống dai nhất hành tinh. (Ảnh: Newsweek).
Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học UC San Diego muốn tiềm hiểu một số cơ chế sinh học phía sau khả năng sinh tồn đặc biệt của gấu nước. Trước đây, những nhà nghiên cứu khác xác định một protein chỉ có ở gấu nước gọi là Dsup (protein hạn chế thương tổn) giúp loài vật này chống lại tia X nguy hiểm. Tuy nhiên, họ chưa biết chính xác cách protein Dsup bảo vệ chúng trước bức xạ.
Để giải đáp thắc mắc, nhóm nghiên cứu UC San Diego sử dụng phân tích sinh hóa và nhận thấy Dsup liên kết với chromatin, chất chứa ADN và và protein ở nhiễm sắc thể bên trong tế bào. Liên kết trên tạo ra "đám mây bảo vệ" che chắn tế bào trước tác động phá hủy của những phân tử hoạt động mạnh như gốc hydroxyl sinh ra khi tiếp xúc với tia X.
Phát hiện không chỉ tăng cường hiểu biết về đặc điểm sinh học của gấu nước mà còn giúp các nhà khoa học phát triển những tế bào động vật tồn tại lâu hơn dưới điều kiện cực hạn. "Về lý thuyết, chúng ta có thể thiết kế phiên bản tối ưu hóa của Dsup để bảo vệ ADN ở nhiều loại tế bào khác nhau", James Kadonaga, giáo sư khoa sinh học ở UC San Diego, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Dài khoảng 0,1 - 1mm, gấu nước siêu nhỏ sinh sống ở gần như mọi môi trường nước trên khắp thế giới, bao gồm biển sâu và Bắc Cực. Với sức sống bền bỉ, chúng được xem là tổ chức sinh vật phát triển mạnh trong điều kiện cực hạn. Chúng sống sót ngay cả khi tiếp xúc với bức xạ cực mạnh hoặc nhiệt độ thấp kỷ lục.