Loài rắn độc nguy hiểm thường gặp tại Việt Nam, được ví như "mìn sống"

Thay vì tìm cách lẩn trốn khi nhìn thấy con người, loài rắn độc này chọn cách nằm yên một chỗ và sẵn sàng tung ra cú cắn nhằm vào những ai đi đến gần hoặc vô tình dẫm trúng chúng.

Chàm quạp - Loài rắn độc với những đặc điểm dễ nhận dạng

Chàm quạp (tên khoa học Calloselasma rhodostoma), còn có một số tên gọi khác như rắn lục nưa, rắn cà tênh, rắn lục Malaysia… là một loài rắn độc thuộc họ rắn lục.

Loài rắn này khi trưởng thành thường dài từ 70 đến 90cm, đôi khi có thể dài đến 1m, những cá thể cái thường lớn hơn con đực. Rắn chàm quạp có đầu và cổ phân biệt rõ rệt, phần đầu kích thước lớn hình tam giác.


Rắn chàm quạp rất dễ nhận dạng nhờ vào hoa văn tam giác đối xứng, tạo thành hình cánh bướm trên cơ thể (Ảnh: Nguyễn Chí Lâm).

Một đặc điểm rất dễ nhận dạng của loài rắn này đó là dọc theo sống lưng có những hoa văn hình tam giác màu nâu đối xứng nhau, tạo thành hình giống cánh bướm. Cơ thể của loài rắn này có màu vàng xám hoặc nâu, nên chúng rất khó bị phát hiện khi nằm trong những đống lá khô.

Chính vì rắn chàm quạp rất dễ được nhận diện nhờ những đặc điểm hoa văn và màu sắc trên cơ thể, do vậy, mọi người có thể chủ động tránh đối đầu hoặc có phương án xử lý thích hợp khi bắt gặp loài rắn này ngoài tự nhiên hoặc ở nơi mình sinh sống.

Rắn chàm quạp được phân bố phổ biến tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, một phần của Indonesia…


Một cá thể rắn chàm quạp xuất hiện bên lề đường ở thành phố Phan Thiết, Bình Thuận (Ảnh: SIFASV).

Tại Việt Nam, rắn chàm quạp phân bố tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…trong đó phổ biến và thường gặp nhất tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Núi Cấm - An Giang…

Vì sao chàm quạp lại được ví như "mìn sống"?

Rắn chàm quạp thường được tìm thấy ở những khu rừng trồng cao su, tràm, bạch đàn, khu vực đất nông nghiệp bỏ hoang cỏ mọc nhiều, vườn cây ăn trái… Đáng chú ý, đôi khi chàm quạp cũng được tìm thấy ở những khu vực con người sinh sống do chúng thường đuổi theo chuột, loại thức ăn yêu thích của loài rắn này.


Rắn chàm quạp thường ẩn mình trong đống lá khô và rất khó bị phát hiện (Ảnh: SIFASV).

Rắn chàm quạp thường ẩn mình dưới những đống lá khô. Do đặc điểm màu sắc của cơ thể, rất khó để nhận ra được sự hiện diện của loài rắn này ở những khu vực lá khô rụng nhiều, đặc biệt ở những đồn điền trồng cây. Rắn chàm quạp cũng có thể được tìm thấy dưới những hốc cây, tảng đá…

Trong khi các loài rắn khác, kể cả rắn độc, thường tìm cách lẩn trốn khi con người đến gần, loài rắn chàm quạp lại cuộn tròn và nằm im trong đống lá khô, thay vì tìm cách lẩn trốn. Nếu con người vô tình bước đến gần hoặc dẫm trúng, chàm quạp sẽ tung ra cú mổ, sau đó nó tiếp tục thu mình nằm im tại chỗ và sẵn sàng tiếp tục tấn công.

Chính hành vi nằm im tại chỗ để tự vệ, thay vì chạy trốn khi cảm thấy bị đe dọa, là nguồn gốc của biệt danh "mìn sống" của loài rắn chàm quạp.

Rắn chàm quạp độc đến mức nào?

Chàm quạp là loài rắn sở hữu nọc độc với các enzyme gây độc cho tế bào và gây ảnh hưởng đến máu (độc máu), có khả năng phá hủy hồng cầu và mô, gây đau đớn và chảy máu nghiêm trọng.

Khi bị rắn chàm quạp cắn trúng, những con mồi kích thước nhỏ như chuột, chim… sẽ bị xuất huyết đến chết. Trong khi đó, con người khi bị rắn chàm quạp cắn trúng sẽ gây sưng, phù nề, xuất hiện bóng nước, bầm máu… Nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời, vết cắn sẽ gây đau đớn dữ dội và hoại tử.


Nếu nạn nhân nhập viện muộn, vết thương có thể bị hoại tử buộc các bác sĩ phải tháo khớp.

Nạn nhân bị rắn chàm quạp cắn cần phải lập tức được mang đến bệnh viện để được chữa trị bằng huyết thanh. Nếu nạn nhân nhập viện muộn, vết thương có thể bị hoại tử buộc các bác sĩ phải tháo khớp hoặc tháo chi để chữa trị; nếu trường hợp nặng có thể khiến nạn nhân tử vong.

Theo anh Phạm Minh Hiếu, chủ kênh Youtube "Sứ giả rừng xanh" và một chuyên gia về rắn, nếu bị rắn chàm quạp cắn không cần phải tiến hành sơ cứu cho nạn nhân, không rạch, nặn, hút hoặc đắp lá thuốc theo cách dân gian… mà phải lập tức mang đến bệnh viện để được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc.

Những phương pháp chữa trị dân gian hoặc tìm cách hút nọc ra khỏi cơ thể sẽ làm cho vết cắn nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, tuyệt đối không được buộc garo vết cắn, vì điều này sẽ khiến tình trạng hoại tử xảy ra thêm nghiêm trọng.

Lời kết

Chàm quạp là một trong những loài rắn độc nhất tại Việt Nam. Do chúng được phân bố rộng và có môi trường sống đa dạng, việc đụng độ giữa con người và rắn chàm quạp rất có thể xảy ra.

Nếu bạn sống và làm việc tại những khu vực có rắn chàm quạp phân bố, hãy đề cao cảnh giác để tránh bị loài rắn này cắn trúng. Nên sử dụng ủng cao su, mang găng tay… khi đi vào những khu vực nhiều lá rụng như rừng tràm, rừng cao su…


Một cá thể rắn chàm quạp tại Vũng Tàu (Ảnh: Tuệ Đại).

Do rắn chàm quạp là loài rắn rất dễ được nhận dạng nhờ vào những đặc điểm trên cơ thể, nếu bắt gặp loài rắn này, hãy tìm cách tránh xa, tránh cố gắng bắt giữ để không bị rắn cắn. Nếu thấy rắn xuất hiện trong nhà, nên nhờ lực lượng cứu hỏa hoặc những người có chuyên môn để xử lý, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Cập nhật: 19/08/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video