Cá voi mỏ khoằm Cuvier giữ kỷ lục về khả năng nhịn thở lâu dưới nước, vượt xa giới hạn của con người.
Cá voi mỏ khoằm Cuvier. (Ảnh: R.W. Baird/Cascadia Research Collective)
Dựa theo chuyến lặn lâu nhất từng được ghi nhận, danh hiệu loài vật có khả năng nhịn thở lâu nhất thuộc về cá voi mỏ khoằm Cuvier. Trong một nghiên cứu kéo dài 5 năm với 23 thành viên thuộc loài này, các nhà khoa học ghi nhận một cá thể lặn và nhịn thở tổng cộng 3 giờ 42 phút. So với nó, kỷ lục nhịn thở của con người chỉ ở mức 24 phút 37 giây, theo IFL Science. Thời gian lặn trung bình đối với cá voi mỏ khoằm trong nghiên cứu là 59 phút. Chỉ có 5% cá thể được quan sát có chuyến lặn vượt quá 1 giờ 17,7 phút.
Nhiều động vật biển khác có khả năng nhịn thở lâu hơn con số đó. Ví dụ, cá nhà táng thường dành khoảng 1,5 giờ ở dưới nước trước khi ngoi lên để hít thở. Ngoài cá voi, hải cẩu voi cũng không kém cạnh khi nhịn thở trong lúc lặn tới hai giờ.
Một phần lý do động vật biển có vú có thể ở dưới nước lâu như vậy do cơ bắp của chúng chứa đầy protein có tên myoglobin, chuyên lưu trữ oxy và cung cấp cho tế bào cơ. Con người cũng có myoglobin nhưng ở mật độ thấp hơn nhiều. Trong có thể người, quá nhiều protein ở gần nhau có thể vón cục và gây bệnh. Tuy nhiên, cá voi, hải cẩu... lại không gặp vấn đề tương tự.
Theo một nghiên cứu vào năm 2012, myoglobin của động vật biển có vú chuyên lặn sâu tích điện dương. "Giống như nam châm cùng dấu, các protein đẩy nhau", tiến sĩ Michael Berenbrink ở Đại học Liverpool, cho biết. "Theo cách này, chúng tôi cho rằng động vật có thể sở hữu mật độ protein myoglobin cực cao trong cơ bắp, tránh để chúng bám vào nhau và làm nghẽn cơ".
Tuy nhiên, myoglobin có thể chỉ là một phần nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ cá voi mỏ khoằm Cuvier có tốc độ trao đổi chất thấp, có nghĩa chúng không dùng hết oxy nhanh chóng. Khi cần chuyển sang hô hấp kỵ khí, cá voi có khả năng chịu đựng tốt hơn đối với lactate (sản phẩm của quá trình chuyển hóa tế bào) tích tụ trong cơ bắp.