Thịt lươn ngon và bổ, thích hợp với thể trạng nhiệt, rất tốt cho trẻ em gầy yếu, xanh xao, phụ nữ sau khi đẻ hư nhược, khí huyết không điều hòa. Lươn vàng cũng được dùng chữa ra mồ hôi tay, đau dạ dày, điều hòa kinh nguyệt...
(Ảnh: Ilmioacquario) |
Thịt lươn rất tốt cho trẻ em gầy yếu, phụ nữ sau sinh. Khi dùng, lấy lươn tuốt cho hết nhớt bằng rơm và tro bếp, rửa sạch, mổ bỏ lòng ruột, để cả con, luộc qua, gỡ lấy thịt, nấu cháo ăn hoặc sấy khô, tán bột uống.
Thịt lươn nấu với ngó sen ăn chữa rong kinh, băng huyết; cuốn lá lốt nướng ăn chữa tê thấp, đau mình; hầm với rau dừa nước lại là thuốc bổ máu; ninh nhừ với màng mề gà ăn trị cam tích trẻ em.
Người Nhật Bản coi thịt lươn như một loại thực phẩm thông huyết mạch, lợi gân cốt, nên gọi là “sâm động vật”.
Chú ý: Người bị bệnh sốt rét, vàng da, kiết lỵ, đầy bụng, khó tiêu không nên ăn lươn.
Một số bài thuốc kinh nghiệm
Chữa mồ hôi ra nhiều ở tay chân: Lươn 1 con, làm sạch, luộc qua, gỡ lấy thịt. Ý dĩ nhân 20 g để sống, phơi khô hoặc sao vàng, giã nhỏ thành bột; gạo nếp 30 g vo kỹ, để ráo nước, giã thành bột. Trộn chung 3 thứ, thêm ít muối, nấu với nước luộc lươn thành cháo, ăn trong ngày. Dùng 5-7 ngày. Hoặc dùng thịt lươn vàng 50 g nấu cháo cùng với đọt khoai môn nước 20 g, ăn trong ngày.
Chữa bạch đới, khí hư: Lươn 1 con to, lấy phần giữa (khoảng 30 cm) đốt ra tro, hồ tiêu 15 hạt, tán nhỏ, trộn với rượu, uống trong ngày.
Chữa liệt mặt, méo mồm: Tiết lươn, 1 phần, trộn với nhựa cây ruối hoặc bột hạt thầu dầu tía 2 phần. Đánh cho nhuyễn, phết lên giấy, dán vào má (bị bên này thì dán bên kia và ngược lại).
Chữa chảy máu dạ dày: Tiết lươn 10 ml trộn với bột than da trâu 10 g, uống với nước mía làm một lần trong ngày. Ngày 2 lần.
DS. Hữu Bảo