Lý do mùa đông khắc nghiệt hơn dù khí hậu ấm lên toàn cầu

Việc Tổng thống Trump nói rằng mùa đông tuyết rơi kỷ lục ở Mỹ chứng tỏ khí hậu toàn cầu không ấm lên là không có cơ sở khoa học.

Bờ Đông nước Mỹ đang trải qua mùa đông khắc nghiệt với nhiều khu vực bị chôn vùi dưới nhiều mét tuyết và nhiệt độ xuống thấp kỷ lục. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/12 tuyên bố việc nước này sắp đón giao thừa với nhiệt độ thấp chưa từng thấy chứng tỏ hiện tượng ấm lên toàn cầu là không có thực.

"Có lẽ chúng ta nên dùng một chút Ấm lên Toàn cầu mà chính Mỹ, chứ không phải các nước khác, đã phải chi hàng nghìn tỷ USD để chống lại", ông Trump viết trên Twitter.


Nhiều nơi trên thế giới đang hứng chịu những đợt lạnh khác thường. (Ảnh: Phys).

Nhiều người ở Mỹ cũng cho rằng mùa đông năm nay đặc biệt lạnh ở một số khu vực trên thế giới cho thấy cảnh báo về tình trạng ấm lên toàn cầu của các nhà khoa học là không có nghĩa lý. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách suy luận này không hề có cơ sở, theo Scientific American.

Thống kê của NASA cho thấy tình trạng ấm lên toàn cầu là có thật và được chứng minh bởi các dữ liệu khoa học. 10 năm ấm nhất lịch sử đều thuộc giai đoạn sau năm 1997. Những thập kỷ gần đây là thời kỳ ấm nhất kể từ năm 1000, theo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Ngoài ra, tình trạng ấm lên từ cuối thế kỷ 19 là điều chưa từng thấy suốt 1.000 năm qua.

"Không thể suy ra nhiều điều về khí hậu hay hướng phát triển khi chỉ dựa vào một ngày, một mùa, thậm chí một năm cực lạnh", Eoin O’Carroll, chuyên gia tại Christian Science Monitor, cho biết. "Tất cả phải xét đến xu hướng dài hạn", tiến sĩ Gavin Schmidt, nhà khí hậu học tại viện Goddard thuộc NASA, tán thành.

Phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng cần phân biệt rõ giữa khí hậu và thời tiết. NOAA định nghĩa khí hậu là thời tiết trung bình qua giai đoạn ít nhất 30 năm. Vì vậy, những biến động tạm thời theo chu kỳ không có nghĩa là tình trạng ấm lên toàn cầu không chính xác.

Tình trạng ấm lên toàn cầu thậm chí có thể khiến mùa đông trở nên khắc nghiệt hơn. Mùa đông năm 2006, nhiệt độ cao khiến hồ Erie ở Bắc Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử không thể đóng băng. Điều này dẫn đến lượng tuyết rơi tăng lên vì nước bốc hơi từ hồ nhiều hơn, tạo điều kiện hình thành tuyết.


Biến đổi khí hậu có thể khiến mùa đông khắc nghiệt hơn. (Ảnh: Chronicle Herald).

Dù một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão tuyết, siêu bão hay hạn hán có thể là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đa số các nhà khoa học cho rằng những thay đổi về thời tiết qua một năm không thể quy trực tiếp cho việc khí hậu lạnh đi hay ấm lên.

Thậm chí, nhiều người nghi ngờ hiện tượng Trái Đất ấm lên cũng đồng ý rằng một đợt lạnh đột ngột hay siêu bão không liên quan đến tính chính xác của vấn đề biến đổi khí hậu.

Con người đang góp phần gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu mỗi khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trước khi chuyển sang các nguồn năng lượng xanh, tình trạng ấm lên toàn cầu nghiêm trọng vẫn sẽ tiếp diễn, bất kể thời tiết đang tạm thời ấm lên hay lạnh đi.

Cập nhật: 30/12/2017 Theo VnE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video