Cùng hiểu hơn về bọ hung ăn phân - loài côn trùng cánh cứng sở hữu một khả năng đặc biệt, được người Ai Cập xưa tôn sùng.
Loài bọ hung vốn nổi tiếng trong thế giới động vật với lối sống kì lạ và chậm chạp. Chúng có thể dành cả ngày để lăn phân, vê thành hình tròn rồi lăn về tổ.
Phân cũng chính là thức ăn của loài vật này, chính vì vậy cái tên bọ hung ăn phân ra đời. Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là người Ai Cập cổ đại từ thế kỷ XVII đã tôn sùng loài bọ cánh cứng này.
Bọ hung ăn phân có nhiều hình dáng khác nhau với những “chức năng” riêng biệt phù hợp với môi trường sống. Một số loài đơn giản chỉ tìm một đống phân và say sưa đào bới.
Trong khi số khác đào cả đường hầm, tạo nên một chiếc hang và đường dẫn để mang phân về tổ mỗi ngày. Số còn lại thì lăn bất cứ cục phân nào chúng tìm thấy trên đường đi.
Bọ hung sử dụng phần đầu, chân của mình làm dụng cụ "điêu khắc", tạo hình cục phân cho tới khi nó có dạng hình cầu hoàn hảo. Sau đó, chân sau của bọ hung sẽ được sử dụng để lăn cục phân tròn.
Hình ảnh này đã khơi gợi trí tưởng tượng của người Ai Cập cổ đại. Theo nhà nghiên cứu Yves Cambefort, bọ hung lăn phân vào ban ngày, đến tối muộn tìm cách chôn giấu chúng rồi sáng lại "kéo lên" tiếp tục cuộc hành trình.
Điều này giống như vị thần Mặt trời Khepri mang hình tượng con người nhưng có khuôn mặt của bọ hung. Ngài được mô tả là vị thần cần mẫn lăn ngôi sao sáng qua bầu trời, chôn ngôi sao khi Mặt trời lặn và đào lên ở phía Đông vào lúc bình minh.
Không chỉ có vậy, loài bọ cánh cứng này còn sở hữu sức mạnh trời ban. Bọ hung ăn phân có thể được ví là những thủy thủ xuất sắc, chúng sử dụng Mặt trời làm hoa tiêu khi lăn phân.
Trong quá trình này, bọ hung sẽ dừng lại có định kỳ, trèo lên trên cục phân rồi nhìn ra khắp xung quanh để định hướng rồi sau đó lại trèo xuống và tiếp tục cần mẫn lăn phân.
Vấn đề mà loài bọ hung này đặt ra là tính hiệu quả. Bọ hung cần phải lăn phân thật nhanh để tránh nguy cơ bị tấn công. Những con bọ hung khác có thể điên cuồng lao vào tranh giành cục phân và vật nhau qua lại không khác nào một màn đô vật thứ thiệt.
Nhờ việc dùng Mặt trời làm “hoa tiêu” thay vì một mốc cố định trên mặt đất, chúng có thể lăn phân theo đúng một đường thẳng về hang của mình, thay vì tiêu tốn thời gian vào việc lăn vô định xung quanh.
Tuy nhiên khả năng di chuyển của chúng còn đáng kinh ngạc hơn. Khi Mặt trời lặn, bọ hung có thể chuyển sang dùng Mặt trăng làm “hoa tiêu”.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu không có Mặt trăng? Vào năm 2013, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm vào một đêm không trăng và đặt những chiếc mũ nhỏ lên đầu bọ hung để làm giảm thị lực của chúng.
Kết quả là những con bọ hung này đã dùng ngân hà để tự định hướng, đây là một trường hợp hoàn toàn cá biệt trong thế giới động vật. Khi bị đội mũ, chúng có thể di chuyển trên đúng một đường thẳng.
Bọ hung vốn là biểu tượng của thần Mặt trời của người Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, người Ai Cập lại hiểu sai về phương pháp sinh nở của loài côn trùng cánh cứng này.
Bọ hung đực “khắc” cục phân thành hình tròn nhằm mục đích thay thế cho trứng của bọ hung cái, chính vì vậy chúng không cần tới con cái trong quá trình sinh sản.
Con đực chỉ cần bơm tinh dịch vào bên trong cục phân tròn, sau đó ấu trùng nở, ăn phân xung quanh nó rồi hóa nhộng và chui ra bên ngoài.
Chính hành động này đã biến bọ cánh cứng thành sinh vật đóng vai trò chủ chốt với nhiều hệ sinh thái.
Đặc biệt với châu Phi - nơi có hàng đàn các loài động vật khác nhau và mỗi ngày thải ra một lượng phân nhiều tới mức chóng mặt. Bọ hung sẽ xử lý đống phân này bằng cách lấy từng chút một, vê tròn rồi lăn về tổ, điều này giúp phân trải đều trên các cánh đồng.
Việc làm này cũng đồng thời lấy đi nguồn thức ăn của loài ruồi, nhờ vậy tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường.
Do đó, theo các nhà khoa học, loài bọ hung ăn phân này hoàn toàn xứng đáng nhận được sự tôn sùng của người Ai Cập cổ đại. Thậm chí người Hy Lạp còn tôn chúng làm ông vua của thế giới người tí hon thần thoại và ví chúng với Thần Dớt vì những sức mạnh đặc biệt ẩn chứa bên trong loài bọ cánh cứng nhỏ bé này.