Những đấng mày râu tỏ ra lo lắng sẽ bị đánh giá thấp hơn so với phụ nữ biểu lộ cảm xúc tương tự.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Guelph, Canada tuyển chọn 125 sinh viên để tham dự buổi phỏng vấn thí nghiệm. Các sinh viên sẽ tự đánh giá mức độ lo lắng của mình và người phỏng vấn cũng sẽ đánh giá họ.
Kết quả cho thấy, người tỏ ra lo lắng sẽ bị đánh giá thấp hơn so với những người ít lo lắng. Trong đó, giới mày râu lo lắng sẽ bị đánh giá thấp hơn phụ nữ dù họ có biểu hiện tương tự.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng trên đến từ xã hội. "Chúng ta có một khuôn mẫu xã hội rằng, phụ nữ lo lắng thì dễ chấp nhận hơn, trong khi nam giới thường được mong đợi phải tỏ ra cứng rắn và quyết đoán", Livescience dẫn lời Powell, nhà nghiên cứu của Đại học Guelph, Canada.
Ảnh minh họa: Shutterstock.
Một nhà nghiên cứu khác, Amanda Feiler cho rằng, nguyên nhân là do phụ nữ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với nam giới. Phụ nữ thường tập luyện trước buổi phỏng vấn với một người bạn hoặc tìm phương pháp giải quyết cảm xúc khác như là nói ra nỗi sợ của mình.
"Nam giới thường ít khi chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn vì vậy họ sẽ nhận kết quả tệ hơn", Feiler nói.
Theo các nhà nghiên cứu, bất kể đàn ông hay phụ nữ, những dấu hiệu của lo lắng như căng thẳng, nói lấp và khó trả lời các câu hỏi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả phỏng vấn.
Các nhà nghiên cứu khuyên người xin việc nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các câu hỏi, cảm xúc, và cố đừng suy nghĩ về lo lắng.
Ngoài ra, phía người phỏng vấn nên thông cảm với người xin việc và đưa ra những loại câu hỏi giúp giảm bớt sự lo lắng của người xin việc.
"Một người tỏ ra lo lắng trong khi phỏng vấn không có nghĩa là họ không giỏi, những người phỏng vấn nên xem xét điều này nếu không muốn mất một cộng sự tài năng", Powell cho biết.