Một loại mái ngói có thể hấp thụ năng lượng mặt trời để đun nóng nước và phát điện vừa được một nhà thiết kế công nghiệp Australia phát minh.
Mái ngói phát điện mặt trời là một sự thay đổi đối với hệ thống điện mặt trời truyền thống. (Ảnh: Sebastian Braat) |
Viên ngói cấu tạo gồm một đế làm từ polycarbonate, có một khoang chứa nước và những tế bào quang điện. Khoảng 12-18% nhiệt năng truyền vào các tế bào quang điện này được chuyển thành điện năng. Phần còn lại dùng để làm nóng nước.
Braat cho biết anh đã dẫn một chất lỏng làm nguội qua nước trong viên ngói, đóng vai trò như chất trao đổi nhiệt. Chất trao đổi nhiệt này sẽ truyền nhiệt vào một bồn chứa nước nóng tuần hoàn.
Trong khi đó, các tế bào quang điện sẽ phát ra dòng điện một chiều và đi vào một thiết bị chuyển đổi gắn với hộp điện trong nhà, nối thẳng với mạng điện lưới. "Nếu người trong nhà dùng điện không hết, nó sẽ tự động đẩy phần điện dư vào mạng lưới".
Braat cho biết khoảng 200 viên ngói như vậy sẽ sản ra tối đa 1,5 kW mỗi giờ, thừa đủ để cho một ngôi nhà với 3 phòng ngủ trung bình.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cũng nhắc nhở nhà phát minh về hiệu suất của loại ngói này, ảnh hưởng của độ dốc mái nhà, cũng như giá cả của nó. Ngoài ra, loại mái nhà này cũng có thể bị dột vì có nhiều chỗ nối nhỏ.
T. An