navigation

Mái nhà bê tông tạo ra điện từ ánh sáng Mặt Trời

Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ chế tạo một dạng mái nhà bê tông mới có khả năng sản xuất điện từ ánh sáng Mặt Trời.


Mái nhà bê tông dạng vòm, siêu mỏng.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ xây dựng một mẫu thử nghiệm mái nhà bê tông dạng vòm, siêu mỏng, cao 7,5m và có diện tích mặt cong là 160m2. Màng tế bào quang điện mỏng phủ bên ngoài mái nhà có khả năng sản xuất điện khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào, theo Futurism.

Mái nhà dày từ 3 - 12 cm với cấu trúc gồm nhiều lớp khác nhau. Vì vậy, nó có khả năng cách nhiệt và làm mát. Mái nhà nguyên mẫu do các nhà khoa học tạo ra có kích thước giống như thật. Năm 2018, nó sẽ được lắp đặt lần đầu tiên trên mái của tòa nhà chung cư HiLo.

Khuôn để làm mái nhà là một mạng lưới dây thép kéo căng. Nhóm nghiên cứu phủ vải polymer ra bên ngoài, sau đó phun bê tông lên trên mạng lưới. Bê tông phun phải đủ ướt, nhưng cũng đủ chắc chắn để dính vào bề mặt thẳng đứng. Cấu trúc bê tông phức tạp này sử dụng ít nguyên vật liệu hơn so với thông thường.


Mái nhà bê tông dạng vòm có khả năng sản xuất điện từ ánh sáng Mặt Trời. (Video: Futurism).

Cập nhật: 23/10/2017 Theo VnExpress