Nhiều trong số 189 lưu vực sông ở Malaysia đang trong tình trạng thiếu nước tuyệt vọng. Nhiều thành phố lớn của Malaysia như Kuala Lumpur và Malacca có thể không có đủ nước do các lưu vực sông bị sử dụng quá tải và bị ô nhiễm. Cảnh báo này của Tổng giám đốc Bộ Thủy lợi và Tưới tiêu Malaysia, Keizrul Abdullah, nghe có vẻ cực đoan, nhưng đó là thực tế hiện nay ở nước này.
Ông Keizrul Abdullah dự đoán rằng nhiều vùng ở Malaysia, đặc biệt là thung lũng Klang, sẽ bị khủng hoảng nước vào đầu năm tới trừ khi các ban ngành liên quan và người dân bắt đầu quan tâm một cách nghiêm túc đến các dòng sông.
Rác ở khắp mọi nơi: Một người đang nhặt những vỏ chai nhựa chất đống ở sông Sungai Selangor. (Ảnh: The Star) |
Một mặt, Malaysia có các lưu vực sông bị sử dụng quá tải do các vấn đề do phát triển quá mức mang lại. Mặt khác, lượng người phụ thuộc vào những dòng sông này vẫn đang tăng vì họ bị sự phát triển này thu hút. Và đó chính là công thức của thảm họa.
Keizrul miêu tả vấn đề đang đối mặt với Malaysia là “một tình trạng kinh điển khi các con sông chịu áp lực của phát triển”.
Rác ở ven sông: Rác xây dựng chất dọc theo sông Sungai Selangor cũng là một nguồn gây ô nhiễm sông. (Ảnh: The Star) |
Ô nhiễm do rác thải công nghiệp, nước thải và chất cặn làm giảm lượng nước trong các con sông. Con người cũng đang lấy nhiều nước hơn từ các dòng sông khiến lượng nước sông giảm và ô nhiễm càng tập trung hơn.
Không chỉ ở thung lũng Klang, khủng hoảng nguồn cung nước cũng sắp xảy ra ở Penang và Malacca. Theo Keizrul Abdullah, tình trạng này xảy ra do thời tiết khô và việc quản lý không hiệu quả các nguồn nước.
Vấn đề thiếu nước vào mùa khô đặc biệt xảy ra ở các lưu vực sông bị sử dụng quá mức vì những lưu vực sông này có ít dự trữ nước ngầm hơn do hệ thống thoát nước xả nước mưa vào các dòng sông rồi xả một cách phí phạm ra biển.
Khai thác cát bừa bãi đã làm xói lở đôi bờ các con sông ở bang Selangor. (Ảnh: CNA) |
Một số lưu vực sông cung cấp nước sạch cho người dân đã đạt đến mức giới hạn. Hiện nay, nhu cầu nước của bang Selangor và Các vùng Lãnh thổ Liên bang là 2.500 triệu lít mỗi ngày và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2010.
Do vậy, Keizrul Abdullah khuyến cáo rằng các nhà cầm quyền phải đưa ra các chương trình toàn diện hơn để các khu vực dẫn nước không bị ô nhiễm bởi các ngành công nghiệp, ban hành các đường lối phát triển và phương pháp kiểm soát tốt cũng như vận hành hệ thống quản lý nước tốt hơn. Và người dân phải dừng việc đối xử với các con sông như thể toa lét của họ!
Xét tình trạng hiện nay, theo Keizrul, đã đến lúc Malaysia phải ưu tiên cho việc quản lý dòng sông một cách hiệu quả vì hơn 97% nguồn cung nước của Malaysia do các dòng sông cung cấp, còn lại là từ nước ngầm. Người dân phải góp phần bổ sung cho các nỗ lực của chính phủ bằng cách sử dụng nước một cách hiệu quả và không coi các dòng sông là các bãi rác. Ví dụ, người dân có thể bắt đầu bằng việc thu thập và dự trữ nước mưa như thế hệ trước đã làm và dùng nước mưa để giặt giũ và dội nhà vệ sinh. Keizrul cũng đề nghị chính phủ nâng thuế nước để có thêm doanh thu thành lập quỹ nước để phục hồi các dòng sông.
Minh Thương