Đường thẳng Sajama đôi khi được xem như công trình nghệ thuật lớn nhất thế giới nhưng giới nghiên cứu vẫn chưa tìm ra tác giả của chúng.
Quan sát sa mạc ở phía tây Bolivia từ trên cao hé lộ hàng nghìn đường kẻ thẳng tắp hằn sâu trên mặt đất từ cách đây hơn nghìn năm. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác niên đại và lý do chúng được tạo ra, theo IFL Science.
Những đường thẳng chằng chịt ở sa mạc tại Bolivia. (Ảnh: Google Maps).
Mang tên đường thẳng Sajama, những hình vẽ khổng lồ này nằm dưới bóng núi lửa Nevado Sajama đỉnh núi cao nhất ở Bolivia, bao phủ diện tích 22.525km2, lớp gấp khoảng 15 lần khu vực lưu giữ đường thẳng Nazca ở nước láng giềng Peru.
Hàng nghìn đường thẳng chạy ngang dọc đè lên nhau trong mạng lưới có vẻ hỗn loạn. Tuy nhiên, chắc chắn chúng được tạo ra có chủ đích. Các đường thẳng đan xen trải dài tổng cộng 16.000km. Do quy mô đồ sộ, đôi khi đường thẳng Sajama được gọi là công trình nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ý đồ chủ chốt của người tạo ra đường thẳng Sajama có thể không phải sáng tạo nghệ thuật. Một số nhà khảo cổ tranh luận chúng được dùng như một lối đi dẫn con người tới nguồn nước vốn khan hiếm trong khu vực. Một giả thuyết khác là chúng giúp dẫn đường cho mọi người trong cuộc hành hương do mạng lưới đường kẻ xen kẽ với hàng loạt đền thờ, nghĩa trang và khu dân cư nhỏ.
Mỗi đường thẳng có bề rộng chỉ vài mét, được tạo ra bằng cách cạo đi vật liệu sẫm màu bị oxy hóa trên mặt đất để lộ ra bề mặt sáng màu hơn ở bên dưới. Phương pháp tương tự cũng được dùng để tạo ra đường thẳng Nazca dù loại hình vẽ này mô tả nhiều hình dáng như động vật, cây trồng thay vì hình trừu tượng. Vài học giả suy đoán đường thẳng Sajama có liên quan tới đường thẳng Nazca. Có thể cả hai đều là sản phẩm của những nền văn minh tương đồng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Theo một nghiên cứu năm 2016, tác giả của đường thẳng Sajama nhiều khả năng là người Carangas. Họ sống ở khu vực phía nam dãy Andes này trong thời kỳ năm 1.000 - 1476. Phần lớn học giả cho rằng những đường thẳng ra đời vào khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, nguồn gốc chính xác của chúng vẫn là điều bí ẩn.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Pennsylvania đang tìm hiểu và lập bản đồ đường thẳng Sajama với mục tiêu bảo vệ vùng đất linh thiêng khỏi xói mòn tự nhiên và ảnh hưởng từ phát triển cơ sở hạ tầng.