Một mảnh vỡ vũ trụ được đặt tên “WT1190F” đang trên đường tiến về phía hành tinh của chúng ta và rất may, theo tính toán của các nhà khoa học, vật thể này sẽ "hạ cánh" xuống Ấn Độ Dương, nằm cách bờ biển Sri Lanka khoảng 100 cây số. Thời gian chính xác của cuộc "đổ bộ" không mong muốn này là vào 2h20 rạng sáng ngày 13/11 tới (tính theo giờ Việt Nam).
Mảnh vỡ WT1190F rơi xuống trái đất gây thiệt hại thấp cho con người
Các chuyên gia cho rằng khả năng WT1190F gây thiệt hại cho con người là rất thấp. Tim Flohrer làm việc tại Văn phòng quản lý rác Không gian thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính kích thước của mẫu rác này vào khoảng 1-1,5 mét, đâm ra là nó sẽ bị đốt cháy trước khi có thể va chạm với bề mặt Trái Đất. Tất nhiên không thể loại bỏ những trường hợp xấu khác.
Ảnh chụp WT1190F bởi kính thiên văn có đường kính 2,2 mét của Đại học Hawaii hôm 9/10.
Rõ ràng đây là một mối quan tâm cực lớn, vì ngay khi một mảnh nhỏ như viên sỏi lao xuống hành tinh xanh, nó sẽ chu du với vận tốc lên đến hơn 40.000km/h - nhanh hơn tốc độ âm thanh (cỡ 1.200 cây số trên giờ) 32 lần và gây ra hậu quả vô cùng khủng khiếp. Chính vì mối nguy hiểm này, tàu thuyền thường xuyên đi qua khu vực nói trên được cảnh báo không nên đến gần.
WT1190F được cho là mảnh vỡ của tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Apollo, giúp phi hành gia Neil Armstrong đặt những bước đi đầu tiên lên Mặt trăng.
Rác thải không gian - vấn đề của ngành Khoa học vũ trụ
Có thể lần này chúng ta gặp may, nhưng biết đâu vào một ngày đẹp trời nào đó trong tương lai, một mảnh vỡ đủ lớn để xuyên qua lớp khí quyển và đâm vào bề mặt Trái Đất. Chúng ta hoàn toàn không thể lường trước được điều đó. Tính đến hiện tại, đã có đến hàng triệu mảnh rác vũ trụ nằm trong vùng không gian xung quanh Trái Đất.
"Mục tiêu đầu tiên là phải làm sao để hiểu rõ hơn về sự "trở về" của các vệ tinh cũng như mảnh vỡ, vốn có quỹ đạo vô cùng phức tạp", Marco Micheli - nhà thiên văn học tại Trung tâm điều phối Vật thể gần Trái Đất (NEOCC) thuộc ESA, cho biết. Điều khiến cho WT1190F khác với hàng triệu mảnh rác không gian khác đó là nó có quỹ đạo rất lập dị, một quỹ đạo hình bầu dục bao quanh Trái Đất. Hơn nữa, quỹ đạo này đưa nó đến một vị trí xa gấp đôi Mặt Trăng, sau đó vòng trở lại Trái Đất. Mất khoảng 3 tuần để WT1190F hoàn thành một vòng quỹ đạo.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng đây là một cơ hội lý tưởng để kiểm tra mức độ sẵn sàng của chúng ta, đối với bất cứ thứ gi (có thể là tiểu hành tinh) có khả năng đe dọa đến sự sống trên Trái Đất.