Một vụ va chạm giữa mảnh vỡ của vệ tinh Nga với vệ tinh khoa học của Trung Quốc đã suýt xảy ra khi khoảng cách gần nhất giữa hai bên chỉ có 14,5m.
Thông tin này được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Trung tâm Mảnh vỡ Không gian thuộc Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).
Hình ảnh giao nhau giữa mảnh vỡ vệ tinh Nga và vệ tinh Trung Quốc. (Ảnh: Mạng Thanh niên Trung Quốc).
Theo đó, Trung tâm Ứng dụng và Giám sát Mảnh vỡ Không gian thuộc Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã tính toán và cảnh báo sớm về một “sự cố giao nhau cực kỳ nguy hiểm” có thể xảy ra vào khoảng 10h49 tối 18/1 giữa vệ tinh khoa học Thanh Hoa của Trung Quốc và một mảnh vỡ vệ tinh của Nga mang số hiệu 49863. Khoảng cách gần nhất giữa hai bên là 14,5 m và góc giao nhau là 40,52°.
Trong đó, mảnh vỡ số 49863 là mảnh vỡ phân hủy được tạo ra bởi vụ thử chống vệ tinh của Nga vào ngày 15/11/2021. Trong khi vệ tinh khoa học Thanh Hoa của Trung Quốc được phóng lên quỹ đạo ngày 6/8/2020.
Thử nghiệm của Nga ước tính đã tạo ra 1.600 mảnh vỡ có kích thước từ 10 cm trở lên, phân bố trong phạm vi độ cao quỹ đạo từ 400 đến 1.000 km và có thể gây ra rủi ro va chạm đối với tất cả các thiết bị vũ trụ hoạt động trong phạm vi này.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời chuyên gia về mảnh vỡ không gian Lưu Tịnh cho biết, có rất nhiều trường hợp mảnh vỡ vũ trụ và tàu vũ trụ cách nhau vài km đến cả chục km, nhưng rất hiếm khi cả hai chỉ cách nhau hơn chục mét. Khả năng xảy ra va chạm là rất cao và nguy hiểm, hiện cả hai đã duy trì khoảng cách an toàn, nhưng không loại trừ khả năng sẽ tiến gần trở lại trong tương lai.
Còn theo chuyên gia hàng không vũ trụ Hoàng Chí Trừng, trong bối cảnh tác động của các mảnh vỡ vũ trụ đối với các hoạt động bay trên không gian thông thường của con người ngày càng trở nên thường xuyên hơn, việc giảm thiểu và loại bỏ các mảnh vỡ vũ trụ nên được đưa vào nghị trình. Trong đó, không chỉ cần tiến hành nghiên cứu các thiết bị thí nghiệm hoặc tàu vũ trụ loại bỏ các mảnh vỡ không gian, mà còn phải xây dựng các luật và quy định quốc tế về việc tạo ra các mảnh vỡ không gian trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.