Theo các nhà khoa học, khi dịch Covid-19 hoành hành Trái đất vào đầu năm 2020 thì cũng là lúc Mặt trăng đột nhiên lạnh hơn một cách đáng kể.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Monthly Notices of the Royal Astronomical Society: Letters, các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Vật lý ở Ahmedabad (Ấn Độ) đã quan sát và ghi nhận sự biến thiên về nhiệt độ bề mặt xảy ra ở vùng Mặt trăng gần Trái đất trong giai đoạn đầu năm 2020.
Mặt trăng. (ẢNH: NASA).
Cụ thể, họ phát hiện nhiệt độ giảm bất thường ở 6 điểm quan sát trên Mặt trăng trong giai đoạn đó.
Các chuyên gia cho rằng hiện tượng trên diễn ra do con người bị hạn chế hoạt động khi chính phủ các nước thi hành lệnh phong tỏa, dẫn đến lượng bức xạ phát ra từ bề mặt địa cầu giảm mạnh và khiến nhiệt độ bề mặt Mặt trăng sụt giảm.
Vào ban ngày, Mặt trăng phải đối mặt sự tấn công của bức xạ đến từ mặt trời. Thế nhưng, vào ban đêm, Mặt trăng chỉ tiếp nhận bức xạ đến từ Trái đất, và lượng bức xạ mạnh hay yếu đã được chứng minh là có thể tác động đến nhiệt độ bề mặt trên vệ tinh tự nhiên của địa cầu.
Các nhà khoa học trước đây cũng phát hiện nhiệt độ ban đêm trên Mặt trăng có thể dao động phụ thuộc vào lượng bức xạ phát ra từ Trái đất.
"Vì thế, cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Mặt trăng nhiều khả năng đã trải qua ảnh hưởng trong giai đoạn thực thi các lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19, thể hiện qua sự giảm nhiệt độ bất thường trên bề mặt Mặt trăng vào ban đêm", đội ngũ khoa học gia kết luận.
Báo cáo cũng cho phép các nhà khoa học sử dụng bề mặt "chị Hằng" như là một công cụ thử nghiệm hoàn hảo để nghiên cứu những ảnh hưởng đến từ biến đổi khí hậu diễn ra trên Trái đất.