Chỉ một chiếc kính bảo vệ mắt loại dùng để quan sát nhật thực, bạn có thể nhìn rõ một "hố đen" to khủng khiếp giữa Mặt trời, chính là một "họng súng vũ trụ" sẽ biến mất vào ngày 2-7.
Theo tờ Space, "hố đen" kỳ lạ đó chính là thứ được gọi là "vết đen Mặt trời", một vùng nhiễu loạn liên tục bắn ra xung quanh những quả pháo sáng mang từ trường mạnh.
Vết đen này mang tên AR3354 chỉ mới xuất hiện ít ngày và rất nhỏ. Hai ngày trước thậm chí bạn không thể thấy nổi một chấm nhỏ, nhưng nó đã phình lên nhanh chóng trong 24 giờ qua và đến tối 30-6 (giờ Việt Nam) ước tính đã gấp 7 lần Trái đất.
"Hố đen" khổng lồ vừa xuất hiện trên Mặt trời, bề ngang bằng 7 lần Trái đất - (Ảnh: SDO/NASA).
AR3354 cũng sẽ nhanh chóng biến mất khỏi tầm nhìn trong ngày 2-7 sắp tới.
Trong cuối tuần này, vết đen đang quay về phía Trái đất nên tất nhiên có khả năng cao sẽ bắn những quả pháo sáng như vậy về phía Trái đất. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng nó lao về phía mình khi quan sát, vì hầu như chúng ta không cảm nhận được các cú bắn phá này.
Các quả pháo sáng này sẽ ảnh hưởng đến hành tinh bằng những cơn bão địa từ, xuất hiện khi chúng va vào các đường sức từ của từ quyển Trái đất.
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), từ hôm 28-7, vết đen này đã bắt đầu giải phóng những quả pháo sáng, hầu hết là cỡ trung bình (loại M).
Bão địa từ xuất phát từ những quả pháo này có thể gây gián đoạn tín hiệu vô tuyến sóng ngắn ở một số nơi trên Trái đất một thời gian ngắn.
Mặc dù có kích thước đáng kinh ngạc, các dữ liệu cho thấy sẽ không có cơn bão địa từ nào dữ dội kèm vụ phóng khối lượng đăng quang mạnh như Sự kiện Carrington nổi tiếng năm 1859, thứ có thể làm sập lưới điện và gây mất điện vô tuyến sóng ngắn diện rộng.
Sự kiện Carrington nổi tiếng vì làm mù mắt nhà thiên văn nghiệp dư Richard Carrington một thời gian ngắn, người đã sơ ý nhìn lên nó mà không sử dụng kính bảo vệ, cũng là người mà tên đã được dùng để đặt cho sự kiện. Vì vậy, điều cần thiết nhất khi chiêm ngưỡng vết đen Mặt trời là đừng quên chiếc kính bảo vệ mắt - loại vẫn dùng để quan sát nhật thực.