Máy tính có thể sẽ không cần hệ điều hành

Trong tương lai, người dùng máy tính có thể sẽ không biết đến hệ điều hành hay các phần mềm ứng dụng là gì, vì mọi thứ đều có thể thực hiện trên các trình duyệt mã nguồn mở.

Tại hội thảo quy tụ 4.000 nhà phát triển của Google diễn ra ngày 27/5, Eric Schmidt, giám đốc điều hành Google, đã đưa ra dự đoán hết sức táo bạo về công nghệ trong tương lai, mà ở đó, internet và trình duyệt web sẽ thay thế cho hệ điều hành của máy tính. “Đã đến lúc chúng ta nắm bắt cơ hội có thể tạo ra sự kinh ngạc chưa từng có”, Schmidt chốt lại bài phát biểu “kích động” các nhà phát triển của Google.

Mầm mống “lật đổ” hệ điều hành

Thời gian qua, nhiều khuynh hướng khai thác internet và sự mở rộng khả năng của các trình duyệt là những dấu hiệu ủng hộ cho quan điểm mà Schmidt đưa ra. Đơn cử, một số website cho phép người truy cập chỉnh sửa hình ảnh, tạo hiệu ứng… từ loại đơn giản như Picnik, FotoFlexer, TiltShiftMaker cho tới những trình duyệt có “sức mạnh” không kém các phần mềm ứng dụng phổ thông là bao như Photoshop Express, Splashup…

Ngoài ra, có thể kể tới các ứng dụng văn phòng trực tuyến như Google Docs, Zoho hay ThinkFree. Các ứng dụng trực tuyến này cung cấp cho người dùng những công cụ tối thiểu để làm việc văn phòng đơn giản như soạn thảo văn bản, soạn thảo trình chiếu, lập bảng tính, kiểm tra thư điện tử, lập lịch làm việc… 

Eric Schmidt dự đoán về tương lai của hệ điều hành.


Một mầm mống nữa dự báo sự ra đi của hệ điều hành nằm ở sự phát triển của điện thoại thông minh và thiết bị cầm tay nhỏ gọn. Thế hệ thiết bị cầm tay mới có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu hoàn thành công việc của người sử dụng trong mọi điều kiện làm việc. Điều này khuyến khích các nhà phát triển công nghệ tìm cách tách rời các ứng dụng khỏi thiết bị số, người dùng sẽ không phải cài đặt bất kỳ gì chương trình hay phần mềm nào.

Khi đó, điện thoại hay máy tính chỉ đóng vai trò như những thiết bị đầu cuối. Việc thao tác và ra lệnh và thao tác được người sử dụng thực hiện trên thiết bị cầm tay, còn việc xử lý lại được thực hiện trên máy chủ của nhà cung cấp. Đối với “những con người của công việc”, thật dễ dàng cho họ khi ở bất kỳ đâu cũng có thể theo dõi công việc với thiết bị làm được một việc duy nhất, đó là truy cập internet và lướt web. Ý tưởng về việc sử dụng trình duyệt web như một đại diện cho các phần mềm ứng dụng hay nói ngắn gọn là hệ điều hành trình duyệt rất có thể xuất phát từ đây. 

Trong tương lai, người dùng có thể làm việc ở bất kỳ đâu chỉ với một máy tính và trình duyệt web.


Thêm vào đó, xu hướng xử lý dữ liệu và chia sẻ trực tuyến cũng góp thêm một tia hy vọng cho tương lai mà Schmidt nhắc tới. Trong cùng môi trường internet, các trình duyệt giúp người dùng chỉnh sửa các bức ảnh mới, rồi cũng chính nó chia sẻ những hình ảnh này tới bạn bè của họ thông qua các website ảnh như Flickr, Photobucket hay qua các mạng xã hội như FaceBook, MySpace chỉ bằng một đoạn mã html hoặc một đường link ngắn gọn…

Còn với những bạn trẻ say mê âm nhạc, thật thoải mái khi không phải cân nhắc chọn loại máy nghe nhạc có dung lượng bao nhiêu, vì tất cả các tác phẩm âm nhạc đều được lưu trữ “ở một nơi xa lắm”, việc mà họ phải làm là tìm kiếm và thưởng qua các trình duyệt dẫn tới các website như youtube.com, imeem.com…

Những rào cản đáng kể

Trong tầm nhìn của các nhà phát triển công nghệ, có vẻ như mọi việc đã sẵn sàng. Trừ Internet Explorer (IE), Microsoft, các đại gia trình duyệt có tên tuổi còn lại như Opera, Firefox, Sarafi và Chrome đều đã chuẩn bị cho quá trình kéo ứng dụng ra khỏi những chiếc máy tính cá nhân để chuyển sang chạy trên nền web.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng, chỉ 10 đến 15 năm nữa, khi mà tốc độ internet được cải thiện đáng kể, dự báo của Schmidt sẽ thành hiện thực. “Microsoft nên run sợ đi là vừa” hay “có thể Window 7 sẽ là hệ điều hành cuối cùng”… là những ý kiến mà dân công nghệ thông tin bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn ảo. 

Phụ thuộc vào hệ điều hành trình duyệt, "đứt mạng" bằng tắt máy?


Thế nhưng, tương lai này đối mặt với không ít khó khăn. Cộng đồng công nghệ cũng như người sử dụng lo ngại Google, người đang nắm trong tay ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản (HTML5) nền tảng của hệ điều hành trình duyệt sẽ nổi lên như một “ông trùm” mới thế chân Microsoft. Zeta Eltoro. Một độc giả của hãng tin công nghệ Cnet nhận xét: “Nhiều người dùng đã cố gắng 'tẩy não' bạn bè họ về việc sử dụng trình duyệt IE chậm như thế nào nhưng vẫn không cản được sự phổ biến của trình duyệt này. Tất cả là vì Microsoft đã độc quyền. Đó có thể là mặt tiêu cực của hệ điều hành trình duyệt trong tương lai”.

Hơn nữa, mối lo phụ thuộc quá nhiều vào internet khiến người dùng băn khoăn. Tradade, thành viên mạng xã hội Linkhay bình luận: “Phụ thuộc hoàn toàn vào mạng là điều tớ không muốn chút nào”. Quả thật, “đứt mạng” có thể đồng nghĩa với việc tắt máy. Ngoài ra, không phải công việc nào mà người dùng muốn thao tác với máy tính hay thiết bị cầm tay cũng cần hoặc muốn vào internet.

Vì vậy, gần 4.000 nhà phát triển vừa tham gia hội thảo của Google không chỉ đau đầu trong việc hoàn thiện ý tưởng mới mà còn phải đối mặt với sự “trái tính, trái nết” của hàng triệu người sử dụng.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video