Trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh viêm màng não mủ nếu trong thời gian mang thai, người mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu sinh dục như viêm đường tiểu, viêm âm đạo, âm hộ... mà không được điều trị.
Gần đây, tại Bệnh viện phụ sản Trung ương có nhiều trẻ mới sinh bị nhiễm viêm màng não mủ. Nhiều nhất là tháng 5 với khoảng 30 trẻ nhiễm bệnh và 1 trẻ tử vong. Căn bệnh nguy hiểm này chưa hề có văcxin dự phòng.Theo bác sĩ Lê Thị Hoàng Yến, Phó trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện phụ sản Từ Dũ TP HCM, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh viêm màng não mủ từ hai nguyên nhân: do mẹ truyền sang hoặc do nhiễm trùng từ môi trường xung quanh, trong đó điều kiện vô trùng tại bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu.
Trẻ sơ sinh đang được điều trị tại khoa sơ sinh chuyên sâu BV Nhi đồng I TP HCM. (Ảnh: M.L.) |
"Trẻ sơ sinh sẽ bị nhiễm trùng huyết trước khi chuyển sang viêm màng não mủ", bác sĩ Hoàng Yến cho biết.
Người mẹ có thể lây nhiễm bệnh cho trẻ nếu trong thời kỳ mang thai mắc các bệnh viêm đường tiết niệu sinh dục. Thực tế cho thấy, đây là loại bệnh mà sản phụ hay gặp nhất nhưng không được quan tâm điều trị tới nơi tới chốn. Ngoài ra, việc mẹ nhiễm các virus TORCH gây nhiễm trùng bào thai cũng là nguyên nhân làm trẻ mắc bệnh viêm màng não mủ sau khi sinh. TORCH là viết tắt của tên các virus: Toxoplasma, giang mai, lậu, HIV, lao, rubella, Cytomegalovirus, Herpes virus...
Trẻ sơ sinh còn có nguy cơ nhiễm bệnh viêm màng não mủ từ môi trường, cụ thể là thân nhân và bệnh viện. Người lớn bị viêm họng tiếp xúc với trẻ, người bế trẻ chưa vệ sinh sạch sẽ... cũng có thể dẫn đến bệnh này.
Bác sĩ Hoàng Yến cho biết, môi trường bệnh viện quá tải, đông người, việc vệ sinh vô trùng kém là điều kiện lý tưởng khiến trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết, từ đó dẫn đến viêm màng não mủ. Ở bệnh viện, chỉ cần có một trẻ mắc bệnh không được cách ly kịp thời, viêm màng não mủ sẽ lây lan rất nhanh và tạo thành dịch.
Trẻ sơ sinh bị viêm màng não mủ nếu được phát hiện sớm, điều trị đáp ứng tốt với kháng sinh thì thường không để lại di chứng gì về sau. Trong trường hợp ngược lại, trẻ có thể bị điếc, liệt, mù, kém nhận thức, tiếp thu...
Do chưa có văcxin nên chỉ có thể phòng viêm màng não mủ bằng ý thức của người lớn. Nhân viên y tế cần trang phục theo đúng tiêu chuẩn, rửa tay đúng kỹ thuật. Tại các bệnh viện sản, cần hạn chế tối đa thân nhân đến thăm. "Người đang có bệnh dù chỉ là cảm thông thường cũng không nên tiếp xúc trẻ sơ sinh vì niêm mạc trẻ vô cùng mỏng manh, rất dễ nhiễm khuẩn", bác sĩ Hoàng Yến cảnh báo.
Bên cạnh đó, thai phụ cần khám đúng và đủ theo yêu cầu của bác sĩ để phát hiện và điều trị các bệnh mắc phải trong thai kỳ, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây bệnh cho con từ mẹ.
Các dấu hiệu lâm sàng cho thấy một trẻ sơ sinh có biểu hiệu nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ là: Trẻ bỗng nhiên mệt mỏi lừ đừ, bú ít, bỏ bú, sốt hoặc hạ thân nhiệt, không tiêu, ói ọc nhiều... Khi có các dấu hiệu trên, cần phải đưa trẻ đến bệnh viện có khoa sơ sinh để được khám sớm.
Mỹ Lan