Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong 2 ngày 8-9/8, nắng nóng đã xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ phổ biến 35-37 độ C. Một số nơi trên 37 độ C như: Con Cuông (Nghệ An) 38,5 độ C; Hương Khê (Hà Tĩnh) 38 độ C; Tam Kỳ (Quảng Nam) 37,8 độ C.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ngày 10/8, một rãnh áp thấp đang có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam và hình thành dải hội tụ nhiệt đới trên khu vực Bắc Bộ, gây mưa lớn diện rộng kèm gió giật mạnh kéo dài.
Mưa lớn có khả năng gây ngập ở Hà Nội. (Ảnh: Lê Hiếu).
Ông Cường cho hay, đợt mưa này sẽ kéo dài sáng đến đầu tuần sau, trở thành đợt mưa dài nhất từ đầu năm đến nay ở miền Bắc. Khoảng chiều và tối 10/8, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa cả đợt (10-14/8) phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Mưa dông kéo dài sẽ giúp miền Bắc hạ nhiệt, từ 10/8, nhiệt độ sẽ giảm 4-5 độ C. Nhiệt độ cao nhất trong ngày duy trì ở mức 30-31 độ C, mang lại không khí mát mẻ cho khu vực này.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa lớn kéo dài có khả năng gây ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng (trong đó có Hà Nội), sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc, vùng núi phía tây các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Trong khi đó, ở trên biển, do hoạt động của gió mùa tây nam, khu vực nam Biển Đông và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8.
Mưa lớn kéo dài có khả năng gây ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng.
Ngày và đêm 10/8, vùng biển bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng biển cao từ 2-3m.