Một nhóm các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu về thời tiết vô cùng sửng sốt khi thu thập được mẫu đá có đường kính lên đến 11,5cm rơi xuống sau trận mưa đá diễn ra ở Argentina.
160 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã đến Argentina để nghiên cứu những cơn bão cực đoan thường xuyên tấn công các cộng đồng dân cư ở phía đông của dãy núi Andes.
Nhà nghiên cứu Joshua Soderholm của Đại học Monash cho biết đã rất bất ngờ khi phát hiện viên đá có đường kính 11,5cm đâm xuyên qua mái nhà của một người phụ nữ ở thị trấn Villa Carlos Paz, tỉnh Cordoba.
"Đó là trận mưa đá lớn nhất mà tôi từng có cơ hội chứng kiến. Chúng tôi khá phấn khích khi thấy thứ gì đó to lớn nhưng thật thảm khốc sau trận mưa đá. Chúng có thể giết gia súc và có thể giết một người nếu không may bị rơi trúng", tiến sĩ Soderholm nói.
Một trong những mẫu đá có kích thước rất lớn các nhà khoa học thu thập được.
Trận mưa đá khổng lồ thực tế đã làm hư hỏng nặng ngôi nhà của người phụ nữ Argentina nhưng cô đã thu thập các mẫu đá và giữ nó trong tủ đá của mình.
"Chúng tôi đã rất may mắn khi đến thăm cô ấy và thu thập được bản quét 3D, vì vậy về cơ bản chúng tôi có thể mang mẫu đá về nhà và nghiên cứu nó. May mắn thay, những trận mưa đá khổng lồ này không xuất hiện với số lượng lớn, thường chỉ có một vài lần hiếm hoi", một nhà nghiên cứu cho biết.
Phát hiện này được thực hiện như một phần của thí nghiệm thực địa do Mỹ tài trợ có tên Relampago, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "tia chớp".
Tiến sĩ Soderholm nói Argentina được chọn vì nước này trải qua một số cơn giông cực đoan nhất trên thế giới.
"Chúng tôi đã sử dụng radar di động, bóng bay thời tiết và thiết bị gắn trên xe tải khi chúng tôi lái qua cơn bão. Đó là một trải nghiệm của cả cuộc đời. Hiện tại chúng tôi vẫn chưa biết cơn mưa đá khổng lồ này thực sự hình thành như thế nào. Chúng tôi có tất cả các mô hình thời tiết có thể mô phỏng các cơn bão rất chính xác, thậm chí là lốc xoáy, nhưng chúng tôi không thể tạo ra mưa đá khổng lồ trong các mô hình này”, tiến sĩ Soderholm chia sẻ.
Trước đó, trận mưa đá lớn nhất từng được ghi nhận là một mẫu đá có đường kính 20cm rơi xuống từ bầu trời cơn bão lớn ở Vivian, Nam Dakota, Mỹ, vào tháng 7 năm 2010.