Một con mực ống có chiều dài hơn ba mét mới được phát hiện ở Nhật Bản, không lâu sau khi một con mực khổng lồ khác được đưa lên bờ.
Telegraph cho hay, con mực khổng lồ được phát hiện ở bờ biển thuộc tỉnh Tottori, phía tây Nhật Bản. Con mực ống có chiều dài 3,3m và nặng gần 100kg vẫn còn sống khi được nhìn thấy bên trong lưới đánh cá.
Hiệp hội đánh bắt cá tỉnh Tottori cho biết họ phát hiện con mực ống vào tối 20/1 khi đang giăng lưới bắt cá bẹt và cua. Con mực chết trước khi được đưa lên bờ một ngày sau đó.
Con mực dài 3,3m được phát hiện ở Nhật Bản hôm 20/1. (Ảnh chụp từ video)
Theo các chuyên của Bảo tàng Tự nhiên San'in Kaigan ở Tottori, con mực có thể đạt chiều dài gần 8m nếu như các xúc tu của nó còn nguyên vẹn. Khi được phát hiện, hai xúc tu dài nhất của nó đã mất.
Các chuyên gia cho biết, hàm lượng ammonium có trong con mực ống khiến nó có mùi vị không dễ chịu và khó có thể ăn được. Con mực khổng lồ này sẽ được bảo quản để phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Mực ống khổng lồ thường sống ở độ sau khoảng 300-1.200m so với mực nước biển. Tuy nhiên con mực khổng lồ này được phát hiện ở độ sâu 240m.
Trong một bài phỏng vấn với kênh truyền hình NTV, một nhà nghiên cứu có tên là Toshifumi Wada cho biết mực ống khổng lồ rất hiếm khi được phát hiện trong khi kéo lưới đánh cá.
Tuy nhiên, đây là một trong nhiều trường hợp phát hiện mực ống khổng lồ ở Nhật Bản trong thời gian qua. Một con mực ống khổng lồ có chiều dài 4m được các ngư dân phát hiện ngoài khơi đảo Sadogashima, tỉnh Niigata, hôm 8/1.