Cố vấn Nhà Trắng phụ trách lĩnh vực không gian vũ trụ cho biết Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã quyết định hủy bỏ kế hoạch đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ trở lại Mặt Trăng, thay vào đó sẽ tập trung thực hiện các chuyến bay lên vũ trụ vì mục đích thương mại.
Dự án đưa người trở lại Mặt Trăng và sử dụng vệ tinh tự nhiên có kích thước lớn và gần Trái Đất nhất này làm cơ sở cho những chuyến đưa người lên thám hiểm Sao Hỏa được khởi động từ năm 2004 dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ George Bush.
Quan chức giấu tên trên không nói rõ nguyên nhân hủy bỏ dự án này, song theo nhật báo "Florida Today", đó là do tình trạng thiếu hụt tài chính trong ngân sách năm 2011 mà Tổng thống Barack Obama sẽ giải trình trước Quốc hội ngày 1/2 tới.
Tin cho biết thêm NASA sẽ nỗ lực tìm kiếm một giải pháp thương mại để đưa các nhà du hành Mỹ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), sau khi chương trình phóng tàu con thoi của cơ quan này kết thúc vào tháng 9/2010 như kế hoạch. Một khả năng được đặt ra là các phi hành gia Mỹ sẽ "đi nhờ" tàu vũ trụ "Liên hợp" (Soyuz) của Nga, song Washington cần có một giải pháp thương mại nếu Quốc hội thông qua kế hoạch của Nhà Trắng ngừng phát triển dự án thay thế cho chương trình phóng tàu con thoi.
Dự kiến, Chính phủ Mỹ có thể sẽ tăng ngân sách cấp cho NASA khoảng 5,9 tỷ USD trong vòng 5 năm tới nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển một giải pháp thương mại cho vấn đề này, với mục tiêu đề ra là chuyến bay thương mại đầu tiên lên Trạm ISS sẽ được thực hiện vào năm 2015.
Được biết, cho đến nay, chỉ có tàu Liên hợp (Soyuz) của Nga mới bảo đảm độ an toàn đưa người lên Trạm ISS vì mục đích thương mại. Một số tỷ phú trên thế giới từng chi 20 triệu USD cho chuyến tham quan Trạm ISS trên tàu Liên hợp của Nga./.