Robot sẽ đảm nhiệm công việc dò mìn dưới nước của những con cá heo, sư tử biển thuộc biên chế hải quân Mỹ.
Khả năng định vị bằng sóng âm khiến cá heo trở thành
lựa chọn lý tưởng cho công việc dò mìn dưới biển.
Mức độ khó của việc dò và phá mìn khiến cá heo trở thành một ứng cử viên tuyệt vời cho công việc ấy, bởi chúng có khả năng định vị bằng tiếng vang. Cá voi phát ra siêu âm rồi căn cứ vào âm thanh dội lại để xác định vị trí của mìn hay thuốc nổ.
Hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo, sư tử biển để dò và phá mìn trong hơn 50 năm qua. Nhưng giờ đây giới chức hải quân muốn thay chúng bằng robot, BBC đưa tin.
"Nhìn chung, hải quân Mỹ muốn thay thế cá heo, sư tử biển bằng robot từ năm 2017", ông Frank Linkous, giám đốc bộ phận nghiên cứu mìn của hải quân Mỹ, phát biểu.
Các chuyên gia của hải quân Mỹ huấn luyện một con sư tử biển. (Ảnh: BBC)
Vào tháng 4, hải quân Mỹ công bố kế hoạch chế tạo Knifefish, một robot có hình dạng giống ngư lôi, chiều dài 7 m và hoạt động dưới nước. Nó có khả năng bơi trong nước tới 16 giờ để tìm kiếm mìn bằng siêu âm. Quá trình chế tạo vẫn chưa kết thúc, song hải quân Mỹ muốn Knifefish hoạt động vào năm 2017.
"Chúng tôi muốn dùng Knifefish để thay thế cá heo, sư tử biển trong hoạt động dò chất nổ", Linkous nói.
Chế tạo thiết bị để thay thế động vật trong những hoạt dò chất nổ là thách thức rất lớn. Chẳng hạn, trong nhiều năm các nhà khoa học của quân đội Mỹ đã cố gắng chế tạo mũi điện tử để thay thế chó nghiệp vụ, song họ đều thừa nhận rằng chó vẫn đánh bại máy móc trong việc tìm chất nổ. Vì thế hải quân Mỹ thừa nhận rằng rất có thể họ vẫn phải sử dụng cá heo và sư tử biển trong một số loại nhiệm vụ đặc biệt sau năm 2017.