Năm 2011 bắt đầu trồng cây biến đổi gen

Trước thách thức mỗi năm phải có thêm 1 triệu tấn lương thực, ngành nông nghiệp dự kiến năm 2011 bắt đầu đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu hành lang pháp lý để quản lý an toàn sinh học.

Ngày 28/8, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội nghị Quốc gia về Sinh vật biến đổi gen và Quản lý an toàn sinh học.

Hơn 180 nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, an toàn sinh học tập trung thảo luận vấn đề liên quan tới nghiên cứu và phát triển sinh vật biến đổi gen, sản phẩm thương mại hóa và quản lý an toàn sinh học nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. 

Việt Nam đang thử nghiệm tạo giống đu đủ kháng virus gây bệnh đốm vòng. (Ảnh: Tiến Dũng)

Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, ứng dụng công nghệ sinh học trong thời gian qua đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng có nhiều ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là tạo ra được những sinh vật biến đổi gen mang các đặc tính mong muốn có giá trị cao. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra là phải xây dựng hành lang pháp lý để quản lý vấn đề an toàn sinh học.

Còn Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường cho hay, dù giúp sản xuất được lượng lớn lương lương thực đáp ứng nhu cầu của người dân trên toàn thế giới nhưng công nghệ biến đổi gen đang tạo ra nguy cơ rủi ro, đe dọa đến an toàn hệ thống sinh thái tự nhiên cũng như đời sống con người, vì vậy cần phải có biện pháp để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.

"Hội thảo này nhằm hoàn thiện hơn dự thảo Nghị định An toàn sinh học với sinh vật biến đổi gen. Sau hôm nay, ban soạn thảo sẽ có thêm tư liệu trước khi trình Chính phủ Nghị định này", ông Cường cho biết thêm.

Đề cập tới cơ hội và thách thức của sinh vật biến đổi gen, GS TS Lê Trần Bình, Viện Công nghệ Sinh học cho biết, cây trồng chuyển gen không chỉ tạo ra cây trồng có khả năng kháng các bệnh virus, vi khuẩn, nấm, kháng chất diệt cỏ... mà còn góp phần tạo nên ngành trồng trọt sạch, ít dùng hóa chất. Tuy nhiên, cùng với đó, loại cây trồng này cũng đang đứng trước thách thức về chi phí trong đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, an toàn thực phẩm và tác động môi trường.

Trong khi đó, theo Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Lê Duy Hàm, dù mỗi năm nước ta mất khoảng 50.000-70.000 ha đất canh tác nhưng mức tăng dân số hiện nay lại đòi hỏi ngành nông nghiệp phải cung cấp thêm 1 triệu tấn lương thực. Biến đổi khí hậu toàn cầu kéo theo sự xâm mặn, lũ lụt, dịch bệnh đã khiến nước ta bị LHQ liệt vào một trong 8 nước có nguy cơ về an ninh lương thực ở châu Á.

"Công nghệ sinh học, công nghệ gen hiện đại là một trong những công cụ hết sức quan trọng để đạt mục tiêu này. Giai đoạn 2011-2015 sẽ đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất và năm 2020 diện tích một số cây trồng biến đổi gen (bông, ngô, đậu tương) đạt 30-50%", ông Hàm nêu giải pháp. 

Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu 4-5 triệu tấn gạo nhưng lại phải nhập 2 triệu tấn đỗ tương, 1 triệu tấn ngô... Mỗi năm chúng ta có thêm 1 triệu người và ngành nông nghiệp phải làm ra thêm 1 triệu tấn lương thực. (Ảnh: UCCE)

Rủi ro tiềm ẩn của sinh vật biến đổi gen, theo Cục phó Bảo tồn đa dạng Sinh học Lê Thanh Bình, chủ yếu liên quan tới sức khỏe con người (độc tố, dị ứng), môi trường (hệ sinh thái của vi sinh vật đất) và đa dạng sinh học (biến cây trồng khác thành cỏ dại, tăng tính kháng thuốc ở sâu hại...). Nhưng do cơ chế chồng chéo nên hiện Việt Nam chưa có hoạt động nào liên quan tới sinh vật biến đổi gen được đăng ký tại các cơ quan quản lý.

"Việt Nam nhận thức được rủi ro tiềm ẩn của công nghệ sinh học hiện đại cũng như tầm quan trọng của quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen. Tuy nhiên, quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen là lĩnh vực tương đối mới nên chúng ta vẫn đang trong giai đoạn kiện toàn thể chế, chính sách, pháp lý của vấn đề này", Cục phó Bảo tồn đa dạng Sinh học Lê Thanh Bình nhấn mạnh.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen đã được xây dựng xong và dự kiến, tháng 10 tới, sẽ được trình Chính phủ phê duyệt.

Kỹ thuật chuyển đổi gen cho phép cùng lúc đưa vào thực vật những gen mong muốn nhằm tạo ra những giống mới nhanh hơn và vượt qua những giới hạn của tạo giống truyền thống. Ví dụ, hiện có giống bông, đậu tương kháng sâu, ngô chịu hạn, lúa ngô có hàm lượng Vitamin A, D, E... cao, đu đủ kháng virus...

Năm 1995, toàn thế giới mới có 0,5 ha cây trồng chuyển đổi gen nhưng nay con số này tăng lên 127 triệu ha. Tuy nhiên, quan điểm và chính sách phát triển loại cây trồng này của các quốc gia lại có sự khác biệt cụ thể. Nhóm ủng hộ gồm Canada, Mỹ, Mexico, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia...; nhóm không ủng hộ chủ yếu ở châu Âu và nhóm còn lại tỏ thái độ chờ đợi.

Theo Tiến Dũng - Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video